Nuôi heo đất tiết kiệm vì phụ nữ nghèo

03/06/2021 - 04:06

 - Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Vĩnh Phú (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã triển khai mô hình “Bỏ ống heo tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” trong hội viên, phụ nữ. Mô hình này không chỉ giúp chị em hình thành thói quen tiết kiệm, mà còn thể hiện tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” giúp hội viên nghèo vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.

Ngày đập heo đất (trước khi có dịch bệnh COVID-19) của hội viên, phụ nữ xã Vĩnh Phú

“Thành lập từ năm 2009, với 2 tổ ban đầu, mô hình “Bỏ ống heo tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” của Hội LHPN xã Vĩnh Phú triển khai rộng rãi trong hội viên phụ nữ. Đến nay, có 24 tổ tham gia với 380 hội viên phụ nữ. Mô hình tạo sức lan tỏa không chỉ trong tổ chức hội, mà còn được sự nhiệt tình tham gia hưởng ứng của các cấp, ngành, đoàn thể.

Qua đó, số tiền tiết kiệm từ mô hình tăng theo hàng năm và được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. Đây là mô hình tập hợp chị em phụ nữ vào hội hiệu quả. Mô hình còn giúp hội viên phụ nữ biết tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày, tập thói quen quản lý và sử dụng tiền hợp lý, hiệu quả” - Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Phú Trần Thị Mân cho biết.

Mô hình “Bỏ ống heo tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” được thực hiện tại nhà mỗi thành viên tham gia. Vào dịp đầu năm, hội sẽ tặng mỗi thành viên tham gia một con heo đất. Sau một năm nuôi heo đất tại gia đình, mọi người sẽ tiến hành tập hợp và đập heo đất vào dịp cuối năm tại xã. Trên tinh thần tiết kiệm từ những việc chi tiêu hàng ngày, ai có nhiều bỏ ống nhiều, ít thì bỏ ít.

Có người dư dả mỗi lần bỏ ống 100.000 đồng, nhưng có người bỏ ống heo 1.000-10.000 đồng. Việc tiết kiệm thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi chị em hội viên, hội không ép buộc. Sau một năm “vỗ béo”, ngày đập heo, chị thấp nhất tiết kiệm được khoảng 500.000 đồng, chị nhiều nhất tiết kiệm được 7-8 triệu đồng.

Hội LHPN xã Vĩnh Phú thấy rằng, ngoài việc vận động các nhà tài trợ, nhà hảo tâm thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, cần vận động, thu hút được nhiều hội viên, chị em phụ nữ tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội bằng những hành động đơn giản, thiết thực và phù hợp nhất. Thông qua mô hình nuôi heo đất, các hội viên, chị em phụ nữ phát huy ý thức tiết kiệm, thói quen tiết kiệm trong đời sống hàng ngày, tinh thần tương thân tương ái góp những đồng tiền lẻ trong chi tiêu hàng ngày để nuôi heo đất, với tinh thần “tích tiểu thành đại”.

“Sau mỗi lần đập heo, không ai bảo ai, các chị tự nguyện trích ra một phần nhỏ từ số tiền tiết kiệm được vào nguồn quỹ của hội. Điều này cũng tùy vào tấm lòng hảo tâm của các chị, với số tiền đó, hội giúp đỡ, tương trợ hội viên, phụ nữ nghèo mua bảo hiểm xã hội, cho mượn vốn không lấy lãi để mua bán nhỏ, mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho học sinh khó khăn. Chúng tôi cho rằng, làm thế nào để bảo tồn, gia tăng nguồn quỹ do chị em đóng góp từ việc nuôi heo đất hàng năm, để có thể giúp đỡ ngày càng nhiều hơn hội viên, phụ nữ nghèo của địa phương.

Vì vậy, hội đã tương trợ hoặc hỗ trợ vốn (không lãi suất) cho các chị khó khăn mua BHYT hoặc mua bán nhỏ để ổn định cuộc sống. Sau 6 tháng hoặc 1 năm, các chị sẽ gửi lại số tiền đó để hội xoay vòng, giúp đỡ chị em khác đang gặp khó khăn. Như vậy, vừa giúp các chị hình thành ý thức tiết kiệm, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của mọi người, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống!” - chị Mân chia sẻ thêm.

Mỗi lần đập heo đất, tổng số tiền các chị em hội viên gửi tặng vào quỹ của Hội LHPN xã từ 8-12 triệu đồng. Năm 2020, hội đã hỗ trợ vốn với số tiền 20 triệu đồng cho hội viên mượn vốn xoay vòng với mục đích mua bán nhỏ, kinh doanh và hỗ trợ mua BHYT 10 hội viên. Đến nay, tổng quỹ tồn được nhận từ mô hình nuôi heo đất của chị em phụ nữ xã Vĩnh Phú hơn 43 triệu đồng. Số tiền này không quá lớn nhưng giúp nhiều hội viên nghèo vượt qua khó khăn, không phải vay mượn bên ngoài. Không ít chị, từ sự hỗ trợ đó mà đã phấn đấu, mua bán nhỏ, ổn định cuộc sống, nuôi con ăn học tốt.

Cô Phạm Thị Thể (sinh năm 1959, ngụ ấp Trung Phú 1, xã Vĩnh Phú) bày tỏ: “Từ khi phát động mô hình “Bỏ ống heo tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, tôi đã nhiệt tình tham gia. Từ đó, mỗi lần đi chợ về, tiền lẻ vài ngàn đồng còn dư lại, tôi bỏ vào ống heo hết. Tuy không nhiều nhưng mỗi lần đập ống heo cũng được khoảng 500.000 đồng. Số tiền ấy, tôi mua quà thưởng cho mấy đứa cháu cuối năm học và mua một vài vật dụng trong nhà. Không chỉ tiết kiệm nuôi heo đất, tôi còn tập thói quen tiết kiệm điện, nước, gas… hàng ngày, nhờ vậy đỡ phần nào chi tiêu lãng phí trong gia đình”.

Chọn cách làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất nhưng vô cùng thiết thực, ý nghĩa như mô hình “Bỏ ống heo tiết kiệm” của Hội LHPN xã Vĩnh Phú không chỉ tạo cho hội viên thói quen tiết kiệm hàng ngày, mà còn giúp chị em nâng cao ý thức, trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng.

PHƯƠNG LAN