Đợt bùng phát mới
Theo kênh CNN (Mỹ), các ổ dịch mới khiến một số quốc gia châu Âu đã phải phong tỏa trở lại. Điều này cho thấy rõ ràng rằng hầu như không quốc gia nào tránh khỏi dịch bùng trở lại.
Hành khách tại sân bay Tegel ở thủ đô Berlin, Đức ngày 25-7. Ảnh: THX/TTXVN
Đức là một ví dụ điển hình. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Đức là Viện Robert Koch (RKI) ngày 27-7 cho biết số ca bệnh gia tăng là điều rất đáng lo ngại.
Đức vốn được coi là hình mẫu về cách xử lý đại dịch nhờ phản ứng nhanh, năng lực xét nghiệm diện rộng và thông điệp bình tĩnh, rõ ràng của Thủ tướng Angela Merkel.
Khi thế giới có trên 4% bệnh nhân COVID-19 tử vong trong tháng 3, tỷ lệ tử vong ở Đức chỉ là 0,4% cho dù số ca mắc cao.
Đến giữa tháng 4, Đức đã xét nghiệm trên 2 triệu người và đang thực hiện 400.000 xét nghiệm mỗi tuần.
Khác với một số lãnh đạo thế giới, bà Merkel nhanh chóng hiểu tính chất nghiêm trọng của tình hình và đưa ra một bài phát biểu thuyết phục hồi tháng 3 để người dân hiểu cần áp dụng biện pháp hạn chế diện rộng.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 25-7. Ảnh: THX/TTXVN
Đức mới chỉ mở cửa lại nền kinh tế sau khi tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống 0,7. Nhưng khi giảm bớt phong tỏa, các đợt bùng phát mới nhanh chóng xuất hiện. Số ca mắc tăng lên 900 ca trong một ngày tháng 5 và hàng loạt chùm ca bệnh xảy ra tại các lò mổ.
Số ca mắc hàng ngày từng giảm xuống 500/ngày trong những tuần gần đây, nhưng lại tăng lên 815 ca ngày 24-7.
Tỷ lệ lây nhiễm trong bốn ngày tính tới 27-7 là 1,28. Tỷ lệ lây nhiễm tính trong 7 ngày là 1,1. RKI cho biết ca mắc mới liên quan tới các đám đông tụ tập, nơi làm việc và cơ sở cộng đồng cũng như người từ các nước khác trở về.
Chánh văn phòng Thủ tướng Đức, ông Helge Braun, nhận định các con số nói trên là nguyên nhân lo ngại và để xử lý đại dịch vào mùa thu, cần giữ số ca bệnh ở dưới 500/ngày trong mùa hè.
Chính phủ Đức đang miễn phí xét nghiệm cho người dân ở thành phố Mamming, bang Bavaria, miền nam Đức, nơi đang có đợt bùng phát trong công nhân thời vụ làm việc ở cánh đồng rau. Công nhân ở các nông trại khác trong Bavaria cũng sẽ được xét nghiệm.
Người dân đeo khẩu trang tại một nhà hàng ở London, Anh ngày 4-7. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson ngày 28-7 cảnh báo có dấu hiệu cho thấy châu Âu đang trải qua làn sóng thứ hai.
Về quyết định cách ly người dân từ Tây Ban Nha về, ông Johnson nói: “Điều chúng ta phải làm là hành động nhanh chóng, quyết liệt tại nơi mà chúng ta nghĩ rủi ro bắt đầu lại xuất hiện. Chúng ta hoàn toàn rõ về điều đang xảy ra ở châu Âu, ở các nước bạn bè. Tôi sợ rằng sẽ bắt đầu chứng kiến dấu hiệu làn sóng dịch bệnh thứ hai ở một số nơi”.
Chính phủ Anh ghi nhận 685 ca mới ngày 27-7 và số ca hàng ngày tương đối ổn định trong những tuần gần đây.
Tại Tây Ban Nha, trong phần lớn tháng 6, nước này chỉ ghi nhận chưa đầy 400 ca/ngày, nhưng tới ngày 27-7 có tới 855 ca mới.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Ordizia, Tây Ban Nha ngày 8-7. Ảnh: AFP/TTXVN
Giám đốc Trung tâm Khẩn cấp Y tế Tây Ban Nha, ông Fernando Simon, cho biết số ca mắc ở Aragon và Catalonia cao nhưng cho rằng đó không phải là làn sóng thứ hai. Số ca lây nhiễm tăng là do nhiều người di chuyển đi nghỉ hè.
Cả Đức và Pháp đều thông báo kế hoạch xét nghiệm hành khách từ các nước rủi ro cao khi nhập cảnh và bắt buộc cách ly 14 ngày.
Pháp chứng kiến số ca hàng ngày tăng trở lại ngang thời điểm dỡ bỏ lệnh phong tỏa ngày 11-5. Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết Pháp vẫn chưa trải qua làn sóng thứ hai, nhưng cảnh báo các ca đang tăng nhanh chóng.
Ông Veran cho biết bệnh nhân có xu hướng trẻ hơn trước và đã kêu gọi người trẻ tuổi cảnh giác trước dịch bệnh.
Theo Bộ Y tế Pháp, tỷ lệ lây nhiễm đã tăng lên 1,3 và cảnh báo virus đang có mặt khắp nước.
Tái áp đặt quy định nghiêm ngặt
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Quiberon, Brittany, Pháp. Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết ông muốn tránh tác động tiêu cực của việc phong tỏa toàn quốc và thay vào đó sẽ áp đặt hạn chế từng khu vực như ở Đức và Anh. Các đơn vị lữ hành cũng kêu gọi thiết lập hành lang khu vực để thực hiện các chuyến du lịch tới một số khu vực nhất định, giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế do đại dịch.
Thị trưởng Quiberon ở Brittany, Pháp đã áp đặt giờ giới nghiêm ban đêm ở bãi biển, công viên và các vườn công cộng từ ngày 26-7 sau khi có ổ dịch bùng phát tại địa điểm du lịch nổi tiếng.
Tại Bỉ, nước này vẫn đang thắt chặt hạn chế trên toàn quốc cho tới cuối tháng 8 sau khi tình trạng lây nhiễm mới tăng trung bình 193 ca/ngày trong tuần trước. Con số này tăng 91% so với 7 ngày trước đó.
Y tá mặc đồ bảo hộ và đeo găng tay trước khi lấy mẫu xét nghiệm tại một nhà thờ ở Antwerp, Bỉ. Ảnh: Getty Images
Từ ngày 29-7, số người được phép tụ tập giảm từ 15 xuống còn 5. Các cửa hàng sẽ áp dụng lại quy định cho phép người mua sắm vào cửa hàng một mình trong 30 phút.
Ngoài ra, Bỉ cũng tăng cường theo dõi người tiếp xúc, yêu cầu đeo khẩu trang ở các khu chợ ngoài trời và khu vực mua sắm đông người cũng như không gian bên trong.
Tại Italy, Bộ trưởng Y tế tuần trước cho biết Italy đã qua cơn bão dù còn chặng đường cần đi để loại bỏ virus.
Tuy nhiên, số ca mới hàng ngày đã tăng quá 300 ca trong tuần trước. Đây là lần đầu tiên có mức tăng như vậy trong một tháng ở Italy.
Chính phủ Italy ngày 24-6 lệnh cánh ly mới với du khách nhập cảnh từ Romania và Bulgaria.
Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza nói: “Tình hình thế giới đáng lo ngại và chúng ta đang ở thời điểm tệ nhất của đại dịch trên thế giới. Khủng hoảng sẽ chỉ qua đi khi phát triển thành công vaccine”.
Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin Tức)