Ổn định nhịp học ở trường dân tộc nội trú

11/03/2020 - 00:10

 - Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT An Giang (tọa lạc TP. Châu Đốc, An Giang) là ngôi trường chuyên biệt cho học sinh học tập và mọi sinh hoạt ăn nghỉ. Do đặc thù này nên công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm, các biện pháp thực hiện theo chỉ đạo trong những ngày qua luôn nghiêm túc, tích cực.

Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT An Giang Nguyễn Trí Thanh cho biết, ngay từ những ngày đầu nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, trường đã có các biện pháp để duy trì nền nếp học tập cho học sinh từ xa. Sau khi trở lại học, công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo; việc ổn định dạy và học tại trường càng được thực hiện khẩn trương, tích cực hơn. Qua hệ thống SMAS, trường thông báo ngày học trở lại đến phụ huynh và học sinh, trường hợp không tiếp nhận được thì cử giáo viên trực tiếp đến tận nhà.

Tiết học trên lớp của thầy và trò trường dân tộc nội trú

Từ chiều 1-3, giáo viên đã có mặt, lập chốt ngay tại cổng để kiểm tra sức khỏe của học sinh. Những em có thân nhiệt trên 37,5 độ được cho nghỉ ngơi tại chỗ và kiểm tra lại sau đó. Những trường hợp sốt được bố trí vào phòng y tế cho uống thuốc, thăm hỏi lịch trình di chuyển, tiếp xúc của các em trong những ngày nghỉ. Sau khi chăm sóc, các em đã khỏe lại.

Các giáo viên của nhà trường tham gia tổng vệ sinh khuôn viên, phòng học và đến ký túc xá hướng dẫn khử trùng, phát nước rửa tay cho các em học sinh. Vào buổi tối, học sinh bắt đầu tự học tập trung theo phòng dưới sự quản lý của giáo viên.

Ngày học đầu tiên, trường dành thời gian để tuyên truyền về tình hình dịch bệnh Covid-19 và liên hệ thợ lắp đặt thêm các bồn nước rửa tay trước phòng ở và nhà ăn, mọi hoạt động nhanh chóng đi vào ổn định.

Tham quan nơi ở, nhà ăn của học sinh, có thể cảm nhận tinh thần "chống dịch" được thầy và trò thực hiện rất chu đáo. Đến giờ ăn trưa, mỗi em cầm theo chén đũa riêng của mình, rửa tay trước khi ngồi vào bàn và chỉ tập trung từng nhóm nhỏ. Nơi chế biến bữa ăn hàng ngày được hiệu trưởng đến kiểm tra, nhắc nhở vệ sinh xung quanh và tuân thủ các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm. Thầy Nguyễn Văn Thọ, Bí thư Đoàn trường cho biết, những ngày qua, đội ngũ giáo viên đều lập nhóm zalo để hướng dẫn học sinh ôn bài. Đề kiểm tra được gửi lên nhóm, học sinh làm xong chụp ảnh gửi ngược lại và được cộng điểm.

Nhờ vậy, sau thời gian nghỉ, các em vào lớp học bình thường. Thầy, cô thường thăm hỏi, nắm bắt tâm lý và an tâm khi biết các em đều thấy thoải mái, không nặng nề hay lo lắng. Trường còn có fanpage cho các em theo dõi, ngoài cập nhật các thông báo mới nhất của ngành giáo dục và Ban Giám hiệu trường, đây cũng là kênh thông tin về dịch bệnh, thời sự đến học sinh, được các em chia sẻ nhanh chóng.

Theo thầy Thanh, phụ huynh không lo lắng chuyện cho con em trở lại học, ngược lại còn lo nếu để con ở nhà, các em đi chơi hoặc tiếp xúc bên ngoài thì nguy cơ mắc bệnh còn cao hơn. Từ ngày chính thức trở lại trường, kể cả chủ nhật học sinh cũng ở lại nội trú thay vì về nhà như trước đây.

“Khác hẳn các trường học bên ngoài, học sinh tại đây sinh hoạt toàn bộ trong môi trường “khép kín” nên phải quản lý gắt gao. Trường còn chuẩn bị sẵn 1 phòng cách ly dự phòng, bất kỳ em nào có biểu hiện sức khỏe bất thường liên quan triệu chứng của bệnh Covid-19 sẽ tạm thời được chăm sóc riêng” - thầy Thanh cho biết thêm.

Bên cạnh nỗi lo về dịch bệnh thì việc duy trì sỉ số cũng vất vả không kém. Trường có tổng số 475 học sinh, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer và số ít dân tộc thiểu số Chăm, Mường.

Ngày đầu tập trung, có 8 em chưa ra lớp, trong đó 7 trường hợp có lý do, còn 1 trường hợp do thời gian nghỉ kéo dài, gia đình đã cho đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương.

Đó là trường hợp em Chau Kunh (học sinh lớp 12, ở xã Tân Lập, Tịnh Biên), dù đã thông báo nhưng phụ huynh cương quyết muốn con đi làm. Nhà trường lập tức cử giáo viên chủ nhiệm, liên lạc hòa thượng Chau Cắc, Ban Nhân dân ấp đến thuyết phục, vận động.

Thầy Thanh cho hay, Chau Kuth đã bám trường đến lớp 12, học lực hạng khá giỏi nên thầy, cô rất quyết tâm để đưa em trở lại lớp. Qua tìm hiểu, bản thân em cũng rất muốn được tiếp tục học, tuy nhiên do mẹ nhất quyết muốn em phải đi làm nên không dám cãi lời. May mắn là sau nỗ lực từ nhiều phía, gia đình đã đồng thuận cho Chau Kunh trở về.

Chỉ sau 3 ngày học chính thức, 100% học sinh của trường đã tập trung đầy đủ và ổn định sinh hoạt. Hiện nay, nhà trường đang tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo từ cấp trên để tổ chức các hoạt động dạy và học, sinh hoạt đảm bảo an toàn.

MỸ HẠNH