Việc nắm tình hình lao động, việc làm của lao động góp phần giữ mối quan hệ lao động hài hòa cho doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp gặp khó
Giai đoạn đầu năm 2022, các ngành chức năng đã nắm bắt nhu cầu các DN có tuyển dụng lao động. Thông tin được đăng tải trên các kênh tuyên truyền của công đoàn, Trung tâm Dịch vụ việc làm, cổng thông tin các huyện, thị xã, thành phố… Thông qua các nhóm Zalo, tổ trưởng tổ sản xuất tiếp tục truyền tải thông tin đến NLĐ để họ có người thân cần việc làm thì đến tuyển dụng… Kết quả, đã tuyển dụng được gần 12.000 lao động ở các DN. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng đã “chững” lại, đồng loạt các công ty có đông NLĐ thông báo tạm ngưng tuyển dụng đến cuối năm, thậm chí có khả năng giảm.
Nguyên nhân được đại diện các công ty chia sẻ là tình hình lạm phát chung của thế giới, chiến tranh giữa các nước đã khiến nhu cầu tiêu dùng từ tháng 8 đến nay giảm mạnh. Kéo theo đó, đơn hàng sản xuất của các công ty giảm đáng kể, dự báo những tháng cuối năm 2022 rất khó khăn. Có đơn vị may mặc hiện nay đơn hàng sản xuất bị giảm hơn 50% so tháng 7/2022. Tác động này còn ảnh hưởng đến các chế độ chăm lo ở đơn vị.
Đơn cử, trước đây, Công ty TNHH An Giang Samho tổ chức đưa đón 300 công nhân tại một số điểm thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi của huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Từ đầu tháng 9/2022, do điều kiện kinh tế không còn khả năng, việc đưa đón công nhân bằng xe buýt phải tạm ngừng. Thay vào đó, công ty hỗ trợ xăng xe hàng tháng cho tất cả công nhân với mức 312.000 đồng/người/tháng.
Tại Công ty TNHH NV Apparel, từ tháng 1 đến 7/2022, đơn vị trở lại guồng hoạt động và có rất nhiều đơn hàng. Việc tuyển dụng mới cũng tăng lên đáng kể, với hơn 1.200 công nhân may và 790 công nhân viên các bộ phận khác. Song, từ đầu tháng 8 đến nay, lượng hàng đã giảm 30%, vì sản phẩm thể thao sản xuất theo mùa, đến đầu năm mới trở lại nhịp độ sản xuất như thường lệ.
Tại Khu công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), nhiều DN thủy sản vẫn gặp khó. Điển hình, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Đông Á hiện chỉ có 413 lao động, trong đó 120 người làm công nhật. Do tình hình kinh tế đang khó khăn, đơn hàng nhà máy xuất đi rất chậm.
Trong khi giá thành nguyên liệu cao, sản xuất không có lợi nhuận, nhiều vấn đề khác liên đới gặp khó theo. Tình trạng kho hàng đầy nhưng vì không xuất hàng đi được nên hiện nay nhà máy hoạt động không đều. Mỗi tháng, công ty chỉ làm 7-10 ngày cầm chừng, do đó số lượng công nhân “giữ chân” tại công ty đang gặp khó khăn.
Quan tâm, giữ ổn định
Ghi nhận tình hình chung, từ đầu năm đến nay, DN hoạt động trên địa bàn tỉnh luôn tạo điều kiện để NLĐ có thu nhập ổn định, đảm bảo về đời sống tinh thần. Đó là điều kiện xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định cho DN. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD). Nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động. Với sự tập trung lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, ngành… các DN đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để phục hồi kinh tế, gia tăng sản xuất và thu hút NLĐ ngày càng khả quan.
Trong 9 tháng của năm 2022, toàn tỉnh có 219 DN tái hoạt động, 705 DN đăng ký mới và 714 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động. Các DN còn tuyển dụng hơn 11.251 lao động mới để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tình hình xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ được giữ vững.
Các thiết chế văn hóa, phúc lợi chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho lao động tiếp tục được đầu tư xây dựng. Hiện nay, thu nhập của NLĐ trong khu vực SXKD bình quân khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Có trên 80% NLĐ được ký kết hợp đồng lao động, tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm. Tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể và đình công tự phát giảm đáng kể.
Tuy nhiên, tác động để lại của dịch bệnh COVID-19, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập của NLĐ ở một số DN vẫn còn ở mức thấp. Nay thêm những biến động trên thế giới ảnh hưởng chung đến thị trường tiêu thụ, SXKD của nhiều DN xuất khẩu, DN có đối tác hầu hết thị trường lớn trên thế giới. Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, các DN vẫn chưa vượt qua khó khăn, khi đơn hàng không có và việc sản xuất chỉ cầm chừng.
Cá biệt có một số công ty, do thu nhập của công nhân tính theo thành phẩm, vì vậy không đảm bảo theo mức sống. Hiện nay, công ty chia sẻ với công nhân bằng cách hỗ trợ thêm gạo, sắp xếp làm việc luân phiên… Tình hình khó khăn chung ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và biến động ở các công ty khiến không ít NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ không lương.
Các ngành chức năng (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh) đang chuẩn bị kế hoạch để đến các DN nắm bắt tình hình SXKD cuối năm. Hiện nay, ưu tiên tạo điều kiện cho các DN tập trung sản xuất, chủ động báo cáo thường xuyên với ngành chức năng về khó khăn, đề xuất dựa trên tình hình thực tế. Riêng trong tháng 10, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức đoàn đến các DN nắm tình hình, việc làm, quan hệ lao động, thực hiện thỏa ước lao động tập thể…
Từ cơ sở, công đoàn đã nắm bắt tâm tư, việc làm của NLĐ, đồng thời khuyến khích, động viên chủ DN, quan tâm đến đời sống của NLĐ. Bên cạnh thực hiện các chính sách, DN cần dành thời gian gặp gỡ, đối thoại với NLĐ, nêu những khó khăn trong SXKD, giải thích các kiến nghị… Từ đó, giúp NLĐ thấu hiểu, chia sẻ với DN. Việc đối thoại đi đến sự đồng nhất phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả đôi bên, nhất là đảm bảo các chế độ, chính sách cho NLĐ theo quy định pháp luật.
MỸ HẠNH