Ổn định thị trường tài chính, chứng khoán

11/11/2022 - 06:40

 - Lợi dụng những biến động gần đây ở một số doanh nghiệp (DN) bất động sản, ngân hàng, các lực lượng chống phá lập tức xuyên tạc, cho đăng tải nhiều bài viết kích động, võ đoán về sự sụp đổ của thị trường tài chính và chứng khoán Việt Nam, gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, có đầy đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn rằng, Việt Nam vẫn đang kiểm soát và điều hành tốt lĩnh vực quan trọng này.

Thời gian qua, liên quan đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán, vi phạm trái phiếu DN, nhiều cá nhân đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, đặc biệt là những doanh nhân có ảnh hưởng lớn trên thị trường bất động sản, chứng khoán, như: Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC), Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh), gần đây là “bà trùm bất động sản” Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Lợi dụng tình hình này, một số thế lực chống phá đã bịa đặt, vu cáo rằng: “Việt Nam tìm cách bóp nghẹt những công ty, tập đoàn tư nhân lớn”, “Nhà nước can thiệp thô bạo vào thị trường tài chính, chứng khoán, nguy cơ thị trường sụp đổ”…

Trong nước, một số cá nhân mượn danh “chuyên gia”, “nhà kinh tế” đưa ra những dự báo, đánh giá sai lệch về lĩnh vực tài chính, chứng khoán; gán ghép sự liên quan của những cá nhân bị bắt tạm giam với một số ngân hàng, DN khác; thể hiện góc nhìn ảm đạm, tiêu cực về thị trường chứng khoán Việt Nam…

Những thông tin thiếu kiểm chứng này lan truyền nhanh chóng qua các hội, nhóm, mạng xã hội, gây hoang mang dư luận. Nhiều người đã ùn ùn rút tiền tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), do có thông tin bà Trương Mỹ Lan dính líu đến ngân hàng này. Những tin đồn xuyên tạc, bịa đặt vô căn cứ khiến cho cổ phiếu của nhiều DN tốt trên thị trường chứng khoán bị bán tháo, do nhà đầu tư không đủ thông tin có thể hành xử phù hợp, dẫn đến tổn thất nghiêm trọng đến an toàn hoạt động của thị trường tài chính, chứng khoán và các định chế tài chính trung gian. VN-Index, HNX-Index liên tục giảm điểm; nhiều cổ phiếu giảm từ 20-30%, thanh khoản ở mức rất thấp...

Trong khi các thế lực chống phá ra sức bóp méo thị trường tài chính, chứng khoán trong nước thì các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá lạc quan về nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất ở Châu Á trong năm 2023. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đang làm tốt việc “thanh lọc”, làm sạch và lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, ngăn chặn dòng tín dụng quá "nóng" đổ vào kênh rủi ro như bất động sản. Giới phân tích quốc tế khẳng định, sẽ không có cuộc khủng hoảng nào đối với thị trường cận biên như Việt Nam sau các sự kiện ở Vạn Thịnh Phát, SCB.

Trên thực tế, việc quản lý chặt hoạt động cấp tín dụng, cho vay bất động sản, phần nào đó sẽ tạo áp lực lên các ngân hàng và một số nhà đầu tư. Vì vậy, sự trượt dốc thời gian qua của thị trường tài chính Việt Nam là diễn biến có thể hiểu và lý giải được. Tuy nhiên, đây là biện pháp cần thiết trong nỗ lực làm trong sạch thị trường, lành mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh, công cuộc “chống tham nhũng” ngày càng mở rộng sang lĩnh vực bất động sản (lĩnh vực thu hút mạnh mẽ giới doanh nhân, môi giới trung gian và các đơn vị phát triển nổi tiếng hàng đầu đất nước). Có thể những nỗ lực đóng băng thị trường nợ đã thúc đẩy tâm lý quan ngại, lo lắng, bất an nơi nhà đầu tư, đây là điều khó tránh ở bất kỳ quốc gia nào, nhưng về lâu dài sẽ giúp cho môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phát triển bền vững.

Có thể thấy, thị trường bất động sản và trái phiếu DN có sự tăng trưởng “nóng” thời gian qua, từ mức 2% GDP (năm 2018) lên 15% (năm 2021), chủ yếu là nhờ các khoản nợ từ các công ty bất động sản. NHNN Việt Nam đang nỗ lực ngăn chặn lĩnh vực này phát triển quá nhanh. Các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng bởi thị trường trái phiếu DN bị siết chặt, nhưng các nhà phân tích cho rằng, rủi ro đối với hệ thống ngân hàng là rất hạn chế và chắc chắn sẽ không có sự sụp đổ nào xảy ra.

Các chuyên gia đều đánh giá tích cực về lợi nhuận dài hạn từ việc thanh lọc tín dụng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hy vọng vào những biện pháp đúng đắn mà Việt Nam đang làm. Các nhà đầu tư đánh giá, việc rót vốn vào Việt Nam là một ý tưởng đầu tư hàng đầu cho năm 2023.

Sở dĩ các nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin bởi NHNN Việt Nam luôn nhắm tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, tiến hành thay đổi lãi suất, tỷ giá theo từng bước, tránh giật cục, gây cú sốc trên thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. NHNN Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Trên lý thuyết, việc tăng lãi suất thể hiện quyết tâm giữ giá trị đồng tiền Việt Nam, kìm dòng vốn đầu tư nước ngoài bớt dịch chuyển ra khỏi Việt Nam.

Gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá cao các chính sách điều hành kinh tế của Việt Nam, hoan nghênh quyết định mở rộng biên độ tỷ giá hối đoái. Do vậy, có cơ sở để tin rằng thị trường tài chính và chứng khoán Việt Nam sẽ phục hồi tốt sau giai đoạn biến động nhiều khó khăn, không thể có chuyện “sụp đổ” như các luận điệu võ đoán, xuyên tạc đưa ra.

N.H

 

Liên kết hữu ích