Cả nước đang “gồng mình” chống dịch, thực hiện nhiều biện pháp nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện giãn cách xã hội. Đây là biện pháp cấp bách, góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19. Sau đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các địa phương thực hiện nhiều biện pháp, ban hành nhiều văn bản thực thi, đặc biệt là Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, không ít cá nhân, tổ chức đã vi phạm Chỉ thị 16/CT-TTg và 14 hành vi theo quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.
Gần đây, ngày 12-5-2021, Tòa án nhân dân (TAND) huyện An Phú xử phạt Huỳnh Văn Tâm (sinh năm 1982, ngụ ấp An Hòa 2, xã Khánh An, huyện An Phú) 2 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Ngày 7-7-2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Long Xuyên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” đối với bị can Nguyễn Văn Móm (sinh năm 1987, ngụ thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Bốn ngày trước đó, đối tượng này điều khiển xe ôtô từ TP. Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Đồng Tháp, TP. Cần Thơ đến TP. Long Xuyên. Sau đó, đối tượng không thực hiện các quy định phòng, chống dịch, chủ quan, thiếu ý thức, làm lây bệnh cho người làm việc ở Khu công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú).
Bị cáo Huỳnh Văn Tâm tại phiên tòa
Đến nay, số người vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19 bị phạt hành chính, bị khởi tố vẫn chưa dừng lại. Đáng chú ý, dự kiến ngày 21-7, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” đối với nam tiếp viên Vietnam Airlines Dương Tấn Hậu, nhưng tạm hoãn do TP. Hồ Chí Minh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Đây là vụ xét xử đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh về lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người khác.
Trước đó, ngày 30-3-2021, TAND TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt Hậu 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Theo bản án sơ thẩm, Hậu phục vụ trên chuyến bay từ Nhật Bản về nước, được đưa đi cách ly tập trung, rồi cách ly tại nhà. Tuy nhiên, trong thời gian cách ly, Hậu liên tục di chuyển và tiếp xúc nhiều người, không tuân thủ các quy tắc phòng dịch. Cơ quan tố tụng xác định, tổng thiệt hại vật chất vụ án 4,4 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có thiệt hại phi vật chất là việc ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2.000 người trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, gồm: 861 người cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và 1.400 người cách ly tại nơi cư trú.
Hiện nay, số người vi phạm Chỉ thị 16/CT-TTg vẫn gia tăng. Ngày 16-7, ông N.V.N (ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) bị xem xét xử phạt hành vi giả danh đăng thông tin không đúng về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở địa bàn. Cùng ngày, Công an TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) khởi tố vụ án hình sự “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” đối với 1 phụ nữ kinh doanh hải sản, bị nhiễm COVID-19. Người này thường lấy hàng các chợ đầu mối ở TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh)…
Vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19, ở mức độ hành chính, người vi phạm bị xử lý theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Ở mức độ hình sự, người vi phạm có thể bị xem xét khởi tố theo Điều 240, Bộ luật Hình sự hiện hành về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.
Người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc người trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly nhưng không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ, khai báo gian dối; trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly thì bị coi là trường hợp thực hiện hành vi khác “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 12 năm.
Người sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, phong tỏa nhưng không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ, khai báo gian dối; trốn khỏi nơi cách ly, nơi phong tỏa; không tuân thủ quy định về cách ly… gây thiệt hại 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295, Bộ luật Hình sự.
Luật sư Trần Văn Sáu (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều người đã bị phạt hành chính, bị phạt tù do vi phạm quy định phòng, chống dịch. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn người vi phạm, gây khó khăn cho việc phòng, chống dịch bệnh. Pháp luật đã có đầy đủ chế tài đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Tới đây, công tác phòng, chống dịch COVID-19 có thành công hay không tùy thuộc nhiều vào ý thức của người dân. Do đó, người dân cần tỉnh táo, tin tưởng vào các chủ trương phòng, chống dịch và tuân thủ tuyệt đối, các quy định bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Việc tuân thủ các quy định là tấm lá chắn cho cộng đồng, tránh nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính hay bị xử lý hình sự.
Bài, ảnh: N.R