Phát hiện bản đồ lâu đời nhất thế giới mô tả các vì sao của Hipparchus

24/10/2022 - 08:18

Các nhà khoa học phát hiện ra tấm bản đồ lâu đời nhất thế giới về những vì sao do nhà thiên văn học Hy Lạp cổ đại Hipparchus biên soạn vào khoảng năm 129 trước Công nguyên.

Tấm bản đồ các vì sao ẩn dưới những dòng chứ viết trên giấy da cổ đại là phát hiện gây bất ngờ cho các nhà khoa học trong thời gian gần đây.

Bằng cách sử dụng kỹ thuật phân tích hình ảnh, nhóm nghiên cứu có thể quay ngược lại thời gian, nhìn ra vô số thông tin thiên văn cổ đại trên tấm bản đồ.

Tấm bản đồ mô tả các vì sao do nhà thiên văn Hy lạp cổ đại Hipparchus biên soạn vào khoảng năm 129 trước Công nguyên. Được biết, bản đồ ẩn dưới những dòng chữ viết trên giấy da có tên gọi là Codex Climaci Rescriptus. Tấm giấy da cổ đại đã cạo đi và tái sử dụng trong nhiều thế kỷ nhưng gần đây các nhà nghiên cứu mới phát hiện ra hình ảnh về bản đồ thiên văn. Tấm giấy da bảo quản tại Tu viện St Catherine trên Bán đảo Sinai, Ai Cập.

Bằng cách sử dụng hình ảnh đa quang, hoạt động giống như một hệ thống tia X để nhìn xuyên văn bản, các nhà nghiên cứu đã chụp tất cả 42 trang ở các bước sóng ánh sáng khác nhau. Họ cũng sử dụng các thuật toán máy tính để tìm kiếm sự kết hợp các tần số giúp tăng cường phát hiện nội dung ẩn. 

Một số văn bản lịch sử gọi Hipparchus là 'cha đẻ của thiên văn học'. Không có nhiều thông tin về nhà thiên văn học Hipparchus, chỉ biết ông sinh ra ở Nicea, thành phố vùng  Bithynia, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Sau này ông qua đời ở Rhodes.

Nhà thiên văn học Hy Lạp cổ đại đã viết về vũ trụ nhưng tài liệu lưu trữ không còn nhiều, chủ yếu là bị thất lạc. Cho đến khi tìm thấy bản đồ này, bản đồ sao lâu đời nhất do nhà thiên văn học Claudius Ptolemy tập hợp lại vào thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, ba thế kỷ sau Hipparchus.

Peter Williams, một chuyên gia về ngôn ngữ Hebrew tại Đại học Cambridge, Anh, là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết ông rất phấn khích với phát hiện mới nên đã liên hệ với nhà sử học Victor Gysembergh để dịch đoạn văn, tìm ra tọa độ, kinh độ, vĩ độ của chòm sao trong bản đồ. 

Victor Gysembergh chắc chắn đây là bản đồ lâu đời nhất mô tả các ngôi sao. Kết luận đưa ra dựa vào đặc trưng trong một số dữ liệu thể hiện, độ chính xác của các phép đo phù hợp với vị trí của các ngôi sao tồn tại cách đây 2.000 năm.

Theo HOÀNG DUNG (Infonet)