Phát hiện cách SARS-CoV-2 'âm thầm’ biến đổi để tránh hệ miễn dịch

09/02/2021 - 14:32

Virus SARS-CoV-2 thường biến đổi bằng cách xóa một đoạn gien nhỏ của mình.


Virus SARS-Co2-2 rất thông minh, luôn tìm cách biến đổi để tránh hệ miễn dịch. Ảnh: Shutterstock

Theo trang livescience.com, SARS-CoV-2 đã phát triển một số đột biến đáng lo ngại, tạo ra các biến chủng mới xuất hiện khắp thế giới.

Giờ đây, một nghiên cứu mới đã làm rõ cách virus này biến đổi dễ dàng thế nào và tại sao các đột biến này lại giúp nó thoát khỏi phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện ra rằng SARS-CoV-2 thường biến đổi bằng cách xóa một mẩu nhỏ mã gien của mình. Mặc dù virus này có cơ chế “dò lỗi” để sửa chữa lỗi khi virus sinh sôi, nhưng việc xóa mẩu mã gien sẽ không xuất hiện trong quá trình “dò lỗi”.

Tác giả nghiên cứu Paul Duprex, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vaccine tại Đại học Pittsburgh nói: “Nó rất thông minh. Bạn không thể sửa cái gì không có ở đó”.

Ngoài ra, với virus này, các mẩu mã gien thường bị xóa ở các điểm tương tự ở bộ gien. Đây là các khu vực mà kháng thể của con người xuất hiện và vô hiệu hóa virus. Tuy nhiên, do chúng bị xóa mã gien nên một số kháng thể không thể nhận ra virus.

Ông Duprex ví quá trình xóa mã gien này với một chuỗi vòng mà một hạt vòng bị rơi ra. Ông nói: “Điều này có thể không phải là vấn đề lớn nhưng với một kháng thể, chuyện lại hoàn toàn khác. Sự thiếu vắng dù siêu nhỏ này đã gây ra ảnh hưởng rất lớn”.

Ông Duprex và đồng nghiệp lần đầu phát hiện ra việc virus lén lút xóa mã gien này khi kiểm tra một bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 trong thời gian dài bất thưởng: 74 ngày. Bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu, không thể loại bỏ virus một cách bình thường. Trong thời gian nhiễm bệnh dài này, virus SARS-CoV-2 bắt đầu phát triển khi nó chơi trò “mèo và chuột” với hệ miễn dịch của bệnh nhân, cuối cùng là nó xóa mã gien.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu xem quá trình xóa mã gien này phổ biến tới đâu. Họ sử dụng cơ sở dữ liệu GISAID để phân tích khoảng 150.000 chuỗi gien của SARS-CoV-2 được thu thập từ các mẫu khắp thế giới. Họ phát hiện ra một đặc điểm chung. Tác giả nghiên cứu Kevin McCarthy tại Đại học Pittsburgh nói: “Việc xóa mã gien này bắt đầu xảy ra ở các khu vực rất khác biệt. Chúng tôi liên tục theo dõi chúng hết lần này tới lần khác”. Họ phát hiện ra các dòng virus tự xóa mã gien một cách độc lập do chịu “áp lực lựa chọn phổ biến”.


Trong hình bên trái, các kháng thể (màu xanh lá cây và đỏ) bám vào SARS-CoV-2 trong tế bào (màu xanh sẫm). Ở hình bên phải, khi virus xóa mã gien, kháng thể xanh lá cây không thể bám dính vào virus, còn kháng thể màu đỏ vẫn bám rất tốt. Ảnh: Kevin McCarthy và Paul Duprex

Các nhà nghiên cứu gọi các khu vực này là “khu vực xóa hồi quy”. Họ để ý thấy các khu vực mà virus xóa mã gien thường là các vị trí trên protein gai của virus – bộ phận mà kháng thể bám vào để vô hiệu hóa virus. Từ đó, họ tìm ra manh mối đầu tiên về việc xóa mã gien giúp virus biến đổi và tránh kháng thể.

Các nhà nghiên cứu nói trên đã bắt đầu dự án hồi mùa hè năm 2020, khi virus SARS-CoV-2 chưa biến đổi nhiều. Nhưng khi đó, họ đã thấy có hiện tượng xóa mã gien này.

Tháng 10-2020, họ phát hiện ra một biến chủng xóa mã gien và sau này được gọi là biến chủng Anh hay B.1.1.7. Biến chủng này khiến toàn cầu lo ngại từ tháng 12-2020 khi lan nhanh chóng ở Anh.

Ông McCarthy nói: “Chúng ta cần phát triển công cụ và chúng ta cần tăng cường cảnh giác tìm kiếm những thay đổi và theo dõi… để chúng ta có thể bắt đầu dự báo chuyện gì sẽ xảy ra”.

Mặc dù virus có thể biến đổi để trốn một số kháng thể nhưng các kháng thể khác vẫn có thể bám vào virus hiệu quả và vô hiệu hóa nó.

Ông Duprex nói: “Chúng ta có thể kết hợp nhiều kháng thể khác nhau, các loại vaccine khác nhau. Nếu xảy ra khủng hoảng, chúng ta sẽ có phương án dự phòng”.

Kết quả nghiên cứu trên cũng cho thấy tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp để ngăn virus lây lan vì càng nhiều người nhiễm virus thì virus càng có nhiều cơ hội sinh sôi và biến đổi. Ông Duprex nói: “Chúng ta cần làm mọi thứ có thể để giảm số lần virus sinh sôi… từ đó có thêm chút ít thời gian chuẩn bị”.

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin tức)