Phát hiện dấu vết DNA trong hóa thạch rùa 6 triệu năm tuổi

30/09/2023 - 18:23

Các nhà khoa học gần đây đã tìm thấy dấu vết DNA trong hài cốt hóa thạch của một loài rùa biển có niên đại 6 triệu năm trước và có quan hệ gần gũi với 2 loài rùa Kem's Ridley và Olive Ridley hiện nay.

Các tế bào xương trong hóa thạch rùa biển được khai quật dọc bờ biển Caribbe của Panama năm 2015. (Ảnh: Reuters)

Phát hiện này đánh dấu một trong số rất ít lần vật liệu di truyền được tìm thấy trong hóa thạch động vật có xương sống cổ xưa cho đến nay.

Cụ thể, trong hóa thạch rùa được khai quật dọc bờ biển Caribbe của Panama vào năm 2015, các nhà nghiên cứu tìm thấy một số tế bào xương được bảo quản một cách tinh xảo.

“Nhân tế bào được bảo quản nguyên vẹn và phản ứng với dung dịch hóa học, cho phép các nhà nghiên cứu xác nhận sự hiện diện của dấu vết DNA - phân tử mang thông tin di truyền quy định hướng phát triển và hoạt động của sinh vật”, giáo sư Edwin Cadena, tác giả chính của nghiên cứu công bố trên Tạp chí Cổ sinh vật học có xương sống, cho biết.

Hóa thạch rùa biển chỉ là một phần, với phần mai rùa còn tương đối hoàn chỉnh. Theo các nhà khoa học, con rùa có thể dài 30cm khi còn sống. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, theo nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Rosario ở Bogota (Colombia) và Viện nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian (trụ sở tại Panama), các nhà nghiên cứu không trích xuất DNA mà chỉ có thể nhận biết sự hiện diện của dấu vết DNA trong nhân tế bào.

Trong quá khứ, dấu vết DNA tương tự cũng được tìm thấy trong hóa thạch của 2 loài khủng long, Tyrannosaurus niên đại cách đây 66 triệu năm và Brachylophosaurus cách đây 78 triệu năm. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng từng phát hiện dấu vết DNA trong hóa thạch một số loài côn trùng có niên đại hàng chục triệu năm trước.

Hóa thạch rùa nói trên đại diện cho thành viên cổ xưa nhất được biết đến của chi rùa biển Lepidochelys, giúp làm sáng tỏ lịch sử tiến hóa chưa được hiểu rõ của chi này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không xác định được loài cụ thể do hóa thạch không còn nguyên vẹn.

Giáo sư Edwin Cadena, nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Rosario ở Bogota (Colombia). (Ảnh: Reuters)

Theo giáo sư Edwin Cadena, mỗi hóa thạch, mỗi địa điểm hóa thạch đều có những điều kiện bảo quản cụ thể, trong một số trường hợp những điều kiện này có thể giúp bảo quản các tàn tích phân tử sinh học ban đầu như protein và DNA.

“Có thể trong tương lai và với nhiều nghiên cứu kiểu này hơn, một lúc nào đó chúng ta có thể sắp xếp các đoạn DNA rất nhỏ và từ đó suy ra những điều về họ hàng gần của chúng hoặc đưa thông tin đó vào một nghiên cứu tiến hóa phân tử rộng hơn”, nhà cổ sinh vật học này cho hay.

Theo Nhân Dân