Hóa thạch san hô khổng lồ hình cối xay (phần trên là phần xay, phần dưới là phần thớt) vừa được phát hiện - Ảnh: TRẦN MAI
Nhóm nghiên cứu khẳng định đây là di chỉ địa chất có một không hai ở Việt Nam. Đáng chú ý, nhóm tham khảo sơ bộ các tài liệu khảo cổ trên thế giới cũng chưa phát hiện hóa thạch dạng này.
Độc nhất vô nhị
Tiến sĩ Ngô Quang Toàn - Tổng hội Địa chất Việt Nam - nhận định: "Đây là di chỉ cổ sinh quá độc đáo, chưa từng tìm thấy tại bất kỳ vùng biển nào ở Việt Nam. Tôi đã đi rất nhiều địa điểm cổ sinh nổi tiếng trên thế giới cũng chưa từng thấy dạng hóa thạch này".
TS Toàn cho biết thêm ngày 18-1, nhóm nghiên cứu phát hiện ở phía đông bắc đảo Lý Sơn, giáp với di chỉ địa chất Hang Câu có một vệt san hô hóa thạch dài 400m đến tận cột mốc chủ quyền Lý Sơn. Đến gần, nhóm nghiên cứu bất ngờ phát hiện hiện tượng thiên nhiên độc đáo là một "nghĩa địa" hóa thạch san hô hình cối xay nằm khắp nơi. Một số bị đào bới.
"Khảo sát sơ bộ cho thấy nghĩa địa hóa thạch san hô này phân bố ven bờ biển trên chiều dài khoảng 400m rộng 50m, kích thước mỗi hóa thạch hơn 2m.
Theo đánh giá ban đầu, những hóa thạch san hô này được hình thành vào khoảng 5.000-6.000 năm trước. Đây là điểm di sản tuyệt đẹp có giá trị về mặt thưởng lãm, tham quan du lịch và nghiên cứu khoa học" - TS Toàn nói.
Khẩn cấp bảo vệ, lập ngay hồ sơ di tích cổ sinh
Hóa thạch san hô này có tuổi dự đoán từ 5.000-6.000 năm - Ảnh: TS NGÔ QUANG TOÀN
Sau khi xem hình ảnh, các luận chứng khoa học chứng minh giá trị của "nghĩa địa hóa thạch san hô", ông Trần Ngọc Căng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - đã có công văn hỏa tốc yêu cầu UBND huyện Lý Sơn bảo vệ khẩn cấp để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu toàn bộ khu vực này.
"Trước mắt UBND huyện Lý Sơn khẩn cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện ngay bảo vệ, ngăn chặn các hoạt động của con người có thể xâm hại đến di sản. Trong đó, tạm dừng thi công toàn bộ các công trình tại khu vực phát hiện di sản để các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu lập hồ sơ công viên địa chất và đề xuất giải pháp quản lý" - ông Căng chỉ đạo.
Ngoài phương án khẩn cấp ban đầu, ông Căng cũng cho biết đã giao Sở VH-TT&DL phối hợp với các bên liên quan lập hồ sơ di tích cổ sinh này; lập phương án quản lý, khoanh vùng bảo vệ...
"Sau khi có những nghiên cứu cụ thể hơn, tỉnh Quảng Ngãi sẽ truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và du khách về khu vực địa chất, cổ sinh có giá trị cực kỳ đặc biệt này. Nghiêm cấm xâm hại di tích để khai thác phát triển gắn với bảo vệ di sản" - ông Căng nói.
Theo TRẦN MAI (Tuổi Trẻ)