Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi nhà khoa học Yasuhiro Oba (Viện Khoa học Nhiệt độ thấp – Đại học Hokkaido, Nhật Bản) đã mô phỏng lại buổi sơ khai của vũ trụ để trả lời câu hỏi "chúng ta đến từ đâu" và nhận được câu trả lời bất ngờ.
Trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra mọt số phân tử hữu cơ cơ bản, cần thiết cho sự sống, ẩn bên trong các sao chổi và tiểu hành tinh. Các sao chổi và tiểu hành tinh cũng được một số nghiên cứu trước đây cho thấy chính là "chuyến tàu sự sống", gieo mầm lên trái đất và các hành tinh khác.
Thiết bị giúp các nhà khoa học tái tạo lại các khối xây dựng sự sống sơ khai, từ đó tìm hiểu về nguồn gốc thực sự của muôn loài trong vũ trụ - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Tuy nhiên thứ đã chất mầm sống lên các "chuyến tàu sao chổi", "chuyến tàu tiểu hành tinh" vẫn là điều bí ẩn. Trong nghiên cứu mới này, các mô hình thiên văn dựa trên vô số dữ liệu trực tiếp và gián tiếp cuối cùng đã chỉ ra sự hiện diện của các đám mây phân tử khổng lồ và kỳ dị, như được treo lơ lửng giữa các vì sao. Đó chính là "quê cha đất tổ" của muôn loài trong vũ trụ, nguồn gốc thực sự của chính chúng ta!
Để tiến hành thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã sử dụng buồng phản ứng chân không cực cao để mô phỏng môi trường bên trong các đám mây khí khổng lồ cổ xưa đó. Một hỗn hợp khí pha trộn giữa nước, carbon monoxide, amoniac và mehtanol liên tục được "rắc" lên một vật liệu mô phỏng bụi vũ trụ trong các đám mây khí. Tất cả được làm lạnh đến -263 độ C, sau đó dùng đèn chuyên dụng để kích hoạt các phản ứng hóa học.
Sau đó, những thứ sau phản ứng được làm ấm lên và đem đi phân tích. Họ kinh ngạc phát hiện sự ra đời của những nucleobase – khối xây dựng sự sống sơ khai để tạo ra DNA và RNA, ngoài ra còn các vật liệu thú vị khác như axit amin là thứ sẽ tạo nên protein. Đó chính là bước đầu tiên dẫn đến sự hình thành các tiền chất phân tử của sự sống.
Nói cách khác, nghiên cứu đã viết lại giai đoạn đầu của quá trình tiến hóa hóa học trong không gian.
Theo A.THƯ (Người Lao Động)