Nghiên cứu vừa công bố trên Frontiers in Microbiology cho biết 2 nhóm sinh vật lạ vừa mới dược tìm thấy chính là tàn tích của các dạng sống cổ xưa đã ẩn náu và phát triển mạnh bên trong bề mặt Trái Đất hàng tỉ năm tuổi về trước. Thuở sơ khai, chúng từng sống cộng sinh với các sinh vật khác, nhưng sau đó tồn tại độc lập và giữa nguyên phương thức sản xuất năng lượng cổ xưa.
Các nhà khoa học đang khai quật các sinh vật lạ không cần thở mà vẫn sống ở Thung Lũng Chết - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Theo tiến sĩ Ramunas Stepanauska từ Phòng thí nghiệm Bigelow về Khoa học đại dương (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, 2 loài vi sinh vật lạ lùng này có thể sống mà... không cần thở. Đơn giản là vì khi tổ tiên của chúng ra đời vài tỉ năm trước, Trái Đất không giàu oxy như bây giờ. Các vi sinh vật sơ khai đã sống bằng cách "tổng hợp ATP", một đơn vị năng lượng chung của sự sống thay vì thở và ăn như cách các sinh vật trên mặt đất tồn tại và sinh trưởng. Quá trình tổng hợp này là một dạng lên men để tự cung cấp năng lượng.
Cũng vì lựa chọn nơi sâu thẳm trong lớp bề mặt Trái Đất, cách biệt với thế giới mặt đất mà 2 nhóm vi sinh vật này đã tiến hóa hoàn toàn khác so với cây sự sống ở thế giới chúng ta. Dường như chúng không biết đến sự thay đổi của thế giới mặt đất với sự ngập tràn oxy. Vậy là chúng giữ nguyên cách tổ tiên sinh tồn.
Theo các tác giả, phát hiện này không chỉ cung cấp bằng chứng về sự đa dạng sinh học trên hành tinh chúng ta, mà còn là một gợi ý quan trọng cho thấy sự sống có thể phát sinh thế nào trên các hành tinh khác không có điều kiện tốt về oxy và nguồn dinh dưỡng, từ đó định hướng cho các cuộc thám hiểm không gian nhằm tìm sinh vật ngoài hành tinh.
Theo ANH THƯ (Người lao động)