Phát hiện thành phố cổ hoàng tráng hơn 3.000 năm tuổi

13/04/2021 - 08:25

Các nhà khảo cổ khám phá thành phố Ai Cập 3.000 năm tuổi khá nguyên vẹn 'giống như thể mới hôm qua'.

Phát hiện thành phố cổ hoàng tráng hơn 3.000 năm tuổi

Một nhóm các nhà khảo cổ đã tìm thấy thành phố cổ đại lớn nhất từng phát hiện ở Ai Cập, có niên đại 3.000 năm.

Nhà khảo cổ học Zahi Hawass cho biết thành phố mới có tên "Sự trỗi dậy của Aten" phát hiện nằm bên dưới lớp cát ở bờ tây Luxor. Thành phố xây dựng từ thời vua Amenhotep III, người trị vì Ai Cập từ năm 1391 đến năm 1353 trước Công nguyên.

Zahi Hawass nói: "Đó là khu định cư hành chính và công nghiệp lớn nhất trong thời đại đế chế Ai Cập".

Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra trên đường phố có những ngôi nhà với các bức tường cao tới 3 mét vẫn còn khá nguyên vẹn. Trong những căn nhà có ngăn thành nhiều phòng chứa đầy dụng cụ sinh hoạt hàng ngày của cư dân cổ đại nhưng trông khung cảnh như mới diễn ra ngày hôm qua.

Chẳng hạn như nhẫn, bình gốm màu, khuôn đúc làm bùa hộ mệnh, chậu dùng để đựng thịt, dụng cụ để quay, dệt, chế tạo kim loại, thủy tinh

Những bức tường còn khá nguyên vẹn ngăn chia các phòng, ngôi nhà trong thành phố

Nhóm các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra một cửa hàng bánh lớn, khá hoàn chỉnh với lò nướng, dụng cụ đựng trữ bằng gốm. Kích thước của những đồ dùng cho thấy chúng được sử dụng để phục vụ cho một số lượng lớn công nhân viên.

Ngoài ra, nhóm phát hiện ra một số bộ xương người bị chôn vùi dưới lớp đất cát, cánh tay duỗi sang một bên và dây quấn quanh đầu gối.

Các nhà khảo cổ cho biết vị trí của bộ phương khá kỳ lạ, họ cũng đang tiến hành điều tra và mô tả đây là vụ chôn cất đáng chú ý.

Betsy Bryan, giáo sư về Ai Cập học tại Đại học Johns Hopkins, cho biết: "Phát hiện ra thành phố đã mất này là khám phá khảo cổ quan trọng thứ hai kể từ khi tìm ra lăng mộ của Tutankhamun".

Một dòng chữ có niên đại từ năm 1337 trước Công Nguyên, xác nhận thành phố đã hoạt động dưới thời trị vì của Akhenaten, con trai của Amenhotep III. Các chuyên gia tin rằng một năm sau khi xây dựng, thành phố đã bị bỏ hoang và chuyển về Amarna, 402 km về phía Bắc, nhưng vì sao dẫn đến quyết định di chuyển vẫn chưa xác định được.

Betsy Bryan nói: "Việc phát hiện ra thành phố đã mất không chỉ cho chúng ta cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống của người Ai Cập cổ đại vào thời điểm mà Đế chế đang ở thời kỳ giàu có nhất, mà còn mở ra lời giải đáp một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử: tại sao Akhenaten và Nefertiti quyết định chuyển đến Amarna".

Cuộc khai quật bắt đầu vào tháng 9-2020 và đã khai quật hầu hết phần phía nam của thành phố nhưng còn khu vực phía bắc vẫn chưa được khai quật.

Theo HOÀNG DUNG (Vietnamnet)