“Dân là gốc”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về dân chủ rất dễ hiểu: “Dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ”. Người còn nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. Đại hội XII của Đảng khẳng định “Nhân dân làm chủ”, “Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Đại hội XIII, kế thừa và phát triển tư tưởng “trọng dân” trong truyền thống lịch sử của dân tộc, bài học “dân là gốc” tiếp tục được phát triển, bổ sung nội dung “dân giám sát” và “dân thụ hưởng” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để tạo thuận lợi, có cơ sở chính trị, pháp lý tổ chức thực hiện, mở rộng, tăng cường, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của nhân dân.
Theo Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang Lê Khánh Hội, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, MTTQ và các đoàn thể quan tâm chỉ đạo, có những định hướng, cách làm hay nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Đặc biệt, các hình thức dân chủ được mở rộng; thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với dân nhằm giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tại các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2022 được khen thưởng
“Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên đổi mới phương thức lãnh, chỉ đạo theo hướng gần dân, sát dân, tôn trọng, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Nhờ vậy, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực thi đua lao động, sản xuất, chung tay xây dựng, phát triển KTXH địa phương” - ông Lê Khánh Hội đánh giá.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện có 100% xã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 68/116 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 27 xã được công nhận NTM nâng cao. Năm qua, toàn tỉnh vận động, tiếp nhận Quỹ Vì người nghèo gồm tiền mặt và hiện vật quy tiền trên 313 tỷ đồng; chi gần 280,7 tỷ đồng để cất mới 2.230 căn nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 185 căn nhà, thăm hỏi, tặng quà cho trên 353.000 lượt hộ nghèo, trợ giúp đột xuất cho 88.800 trường hợp, thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội…
Nhân dân thụ hưởng
Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQVN TP. Châu Đốc Huỳnh Chí Oanh thông tin: “Thời gian qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thành phố được thực hiện tốt, đồng bộ và đi vào chiều sâu, rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, được nhân dân đồng thuận cao, góp phần quan trọng phát triển KTXH địa phương.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới phương thức hoạt động hướng về cơ sở, chăm lo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đoàn viên, hội viên và nhân dân. Năm 2022, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo thành phố vận động được trên 16 tỷ đồng, cất mới 107 căn và sửa chữa 2 căn nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ khám, chữa bệnh, trợ giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Qua đó, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội địa phương”.
Chăm lo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, thời gian qua, ngoài việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, đơn vị còn lãnh, chỉ đạo các cấp ủy Đảng phối hợp các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng mối quan hệ với nhân dân vùng biên giới. Tăng cường công tác đối ngoại của Đảng, nhà nước, đối ngoại quân sự, quốc phòng, ngoại giao nhân dân, kết hợp hỗ trợ cho các đơn vị Quân đội Hoàng gia Campuchia…
Năm 2022, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho 500 người nghèo huyện Kirivong (tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia); phối hợp UBND huyện Tri Tôn tổ chức Tết quân - dân với nhiều hoạt động thiết thực, như: Tặng 560 phần quà cho lực lượng dân quân tự vệ, gia đình chính sách, hộ nghèo; trao 25 suất học bổng “Tiếp sức đến trường”; tặng 200 ảnh Bác Hồ, 200 lá cờ Tổ quốc, xây tặng 46 căn nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, trị giá hơn 2,7 tỷ đồng...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho rằng, nhờ thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, giúp bầu không khí dân chủ trong Đảng và xã hội ngày càng phát huy; nhiều khó khăn trong quá trình phát triển KTXH được nhân dân bàn bạc, tham gia cùng cấp ủy Đảng, chính quyền tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả. Vai trò tự quản thông qua xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước, quy chế, như: Nhân dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng xây dựng đường giao thông, trường học, nhà Tình nghĩa, các công trình văn hóa… làm cho bộ mặt nông thôn và đô thị ngày càng đổi mới. Nhờ phát huy dân chủ đã khơi dậy tiềm năng, sức mạnh to lớn trong nhân dân, động viên nhân dân thi đua lao động - sản xuất, góp phần phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị địa phương.
“Để phát huy tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; tăng cường đối thoại với dân, phát huy quyền làm chủ của dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, dân vận khéo…” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng nhấn mạnh. |
THU THẢO