Có thể hiểu không gian nghệ thuật cộng đồng là những địa điểm công cộng tập hợp các tác phẩm nghệ thuật hoặc diễn ra các hoạt động nghệ thuật dành cho nhiều người. Tại đó, ai cũng có thể trở thành chủ thể sáng tạo và ai cũng được tạo điều kiện để thưởng thức nghệ thuật. Trên thế giới, không gian nghệ thuật cộng đồng khá phổ biến với những hình thức như các khu vực tượng đài, bích họa, nghệ thuật sắp đặt,... ở công viên, quảng trường. Châu Âu được biết đến với rất nhiều quảng trường lớn nhỏ, khởi đầu từ các Agora (A-gô-ra - nơi hội họp ngoài trời) ở Hy Lạp và Forum (Pho-rum - địa điểm công cộng) ở La Mã cho tới các quảng trường hiện đại ngày nay. Ở châu lục này, quảng trường là nơi tập trung nhiều hoạt động nghệ thuật cộng đồng hấp dẫn, dành cho cư dân địa phương và du khách tham quan, thưởng thức. Không chỉ các quảng trường, không gian đường phố cũng là một loại không gian cộng đồng phổ biến với nhiều hoạt động nghệ thuật đa dạng như: festival (lễ hội), biểu diễn âm nhạc, nhảy múa… Trên các con phố cổ kính của Paris (Pa-ri, Pháp), Venice (Vơ-ni-dơ, I-ta-li-a) hay tại các ga tàu điện ngầm, không khó để bắt gặp hình ảnh những người nghệ sĩ say sưa đàn hát. Tại Tel Aviv (Ten A-vit, Israel), nghệ thuật đường phố tuy xuất hiện chưa lâu nhưng cũng là một trong những biểu hiện sinh động cho sức sống của thành phố “không bao giờ ngủ” này. Mọi thứ đều có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt, từ những bốt điện, cột đèn, thậm chí cả xe chứa rác hay cửa ra vào của các khu chung cư cũ. Cùng với những công trình tượng, phù điêu trải khắp thành phố, nghệ thuật đường phố đã góp phần tạo nên bức tranh hài hòa và duyên dáng cho thành phố nằm ven bờ biển Địa Trung Hải này. Ở New York (Niu Oóc - Mỹ) cũng vậy, có thể gặp ở mọi nơi những bức tranh graffiti (nghệ thuật vẽ tranh bằng phun sơn) ấn tượng. Bất cứ đâu cũng có thể trở thành không gian sáng tạo, đến mức, graffiti đã trở thành một sản phẩm du lịch thu hút du khách không kém Wall Street (Phố Uôn) hay tượng Nữ thần Tự do ở New York…
Phố đi bộ Phùng Hưng kết nối với các vòm cầu và không gian làng nghề thủ công truyền thống.
Những năm gần đây, tại Việt Nam, các không gian nghệ thuật cộng đồng xuất hiện phổ biến hơn, gần gũi hơn như: phố đi bộ quanh Hồ Gươm, phố bích họa Phùng Hưng, con đường gốm sứ ven sông Hồng tại Hà Nội, làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ - Quảng Ngãi), không gian Dốc Nhà Làng (Đà Lạt)… Đáng chú ý, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực mỹ thuật (với các tượng đài, các bức bích họa, graffiti,…) hay âm nhạc, các loại hình nghệ thuật đường phố cũng là đối tượng của không gian nghệ thuật cộng đồng. Tiêu biểu như: phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh), mỗi cuối tuần đều diễn ra những cuộc trình diễn kéo dài của nhiều nhóm nghệ thuật khác nhau, từ breakdance (điệu nhảy đường phố), hip-hop (một loại nhạc phổ biến, của người Mỹ gốc Phi với các bài hát thường được nói hơn là được hát) cho đến xiếc, ảo thuật đường phố, khiêu vũ... Gần đây, tại lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa được tổ chức hằng năm tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), âm nhạc đã trở thành phương tiện hữu hiệu kết nối đời sống với di sản, góp phần để di sản được lan tỏa và sống trong cộng đồng.
Không chỉ phong phú với sự có mặt của nhiều loại hình nghệ thuật, không gian - nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật cộng đồng, cũng khá đa dạng, từ bến xe buýt, nhà máy cũ tới cả… bãi rác. Như mới đây, một dự án nghệ thuật cộng đồng cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đó là một bãi rác dài 500 m nằm cạnh bờ sông Hồng ở Hà Nội, đoạn từ cầu Long Biên đến cầu Chương Dương đã được cải tạo thành một không gian sáng tạo văn hóa độc đáo. Không gian này được mang tên Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân, gồm 16 tác phẩm nghệ thuật của 16 nghệ sĩ được sáng tác từ nhiều chất liệu khác nhau. Con đường đặc biệt này không chỉ kể những câu chuyện về lịch sử, văn hóa của vùng đất kinh kỳ mà còn mang hơi thở thời cuộc khi sử dụng các vật dụng tái chế để truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, việc hình thành các không gian nghệ thuật cộng đồng là nhu cầu cũng như xu thế cần thiết trong xã hội hiện nay, bởi những giá trị mà không gian nghệ thuật cộng đồng đã và đang mang lại cho đời sống dân cư. Bên cạnh đó, đặc điểm chung của không gian nghệ thuật cộng đồng là các tác phẩm được lựa chọn để biểu diễn hay trưng bày không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn phản ánh phần nào lịch sử, văn hóa đồng thời cũng thấm đượm tinh thần của đời sống đương đại. Các tác phẩm này thường có cách thể hiện gần gũi, mọi người đều có thể hiểu, cảm nhận và tham gia tương tác, qua đó, giúp gắn kết mọi người với nhau, gắn kết con người với nghệ thuật, và làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà cho đến nay tại Việt Nam, chưa nhiều không gian nghệ thuật cộng đồng thật sự đi vào đời sống và phát huy hiệu quả. Khá nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng còn có phần manh mún, nhỏ lẻ hoặc nặng về tự phát. Theo họa sĩ Lê Kinh Tài, một trong những người tham gia quy hoạch không gian nghệ thuật Dốc Nhà Làng (Đà Lạt), các không gian nghệ thuật cộng đồng tại Việt Nam hầu như thiếu những quy hoạch cụ thể, phần lớn là các dự án tự phát của những nhóm nhỏ. Chính vì thiếu quy hoạch cụ thể cho nên nhiều khi sự lựa chọn các tác phẩm cho các không gian nghệ thuật cộng đồng chưa phù hợp. Không ít trường hợp tranh vẽ đẹp nhưng lại bị hạn chế tầm nhìn. Hay ngược lại, có bức tranh phù hợp khi trưng bày trong phòng triển lãm nhưng khi đặt ngoài trời lại bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh như ánh sáng, thời tiết,... khiến giá trị bức tranh bị ảnh hưởng. Thậm chí, nhiều không gian cộng đồng trở thành nơi vẽ tự do, vẽ theo phong trào của một số cá nhân hay nhóm bạn trẻ chưa đủ “tay nghề”, các tác phẩm là những “thảm họa thị giác”. Trong khi đó, từ phía cộng đồng vẫn còn thiếu ý thức bảo vệ tác phẩm nghệ thuật trong không gian công cộng. Thí dụ con đường gốm sứ là một dự án nghệ thuật cộng đồng lớn nhưng không khó để bắt gặp hình ảnh người dân vứt rác hoặc tùy tiện phóng uế ngay bên cạnh. Hành vi phản cảm này không chỉ làm bẩn, mà còn khiến cho tác phẩm nghệ thuật bị hư hỏng. Chung số phận, cách đây ít lâu, khi được trưng bày ở khu vực Hồ Gươm, tác phẩm sắp đặt Tháp của nghệ sĩ điêu khắc Mai Thu Vân cũng bị một số người vô ý thức biến thành nhà vệ sinh. Bên cạnh đó, việc duy trì các không gian nghệ thuật cộng đồng cũng gặp không ít khó khăn bởi những áp lực về kinh tế, môi trường ô nhiễm, hay việc quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập.
Việc tạo ra những không gian nghệ thuật cộng đồng chính là một cách thiết thực để thu hút mọi người hòa mình vào đời sống xã hội, tạo sự kết nối. Theo ông W. Eckstein (W. Ex-ten) Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam, những tác phẩm nghệ thuật khi đưa vào các không gian công cộng sẽ góp phần tạo ra sự bình yên cho cộng đồng. Đồng thời, chúng cũng tạo ra những giá trị gia tăng cho không gian và môi trường sống. Do đó, cần tiếp tục sáng tạo những không gian nghệ thuật dành cho cộng đồng. Tuy nhiên, việc sáng tạo không thể tùy tiện mà cần có cơ chế ngay từ đầu trong việc lựa chọn không gian thích hợp, xây dựng các quy chế, tiêu chí cụ thể trong việc lựa chọn các tác phẩm đặt trong không gian đó. Bởi phạm vi tác động của nghệ thuật công cộng là cả cộng đồng dân cư. Nếu tùy tiện sẽ dẫn đến lãng phí tiền của, công sức và ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ của không gian chung. Theo PGS, TS, Kiến trúc sư Phạm Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), việc có những tiêu chí cơ bản sẽ giúp các nhà quản lý lựa chọn đúng tác phẩm nghệ thuật có giá trị phục vụ xã hội, đồng thời cũng giúp xã hội có nền tảng nhận thức tốt khi đánh giá các tác phẩm nghệ thuật. Do đó, việc xây dựng các không gian nghệ thuật cộng đồng cần có tầm nhìn tổng thể, lâu dài của cơ quan quản lý, bảo đảm lựa chọn không gian hợp lý, tránh ảnh hưởng cũng như chịu các tác động từ việc quy hoạch đô thị. Trong quá trình này, cần tham vấn ý kiến chuyên gia, các nghệ sĩ và nhất là người dân. Bởi mục đích cuối cùng của không gian nghệ thuật cộng đồng là kết nối các mối quan hệ xã hội, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.
Song song với tiếp tục sáng tạo các không gian nghệ thuật cộng đồng, cần tìm các phương án bảo vệ, duy trì, tiếp nối như thế nào cho hiệu quả và bền vững. Điều này đòi hỏi, sự kết nối giữa chính quyền, người nghệ sĩ và người dân phải thật sự chặt chẽ và có hiệu quả hơn nữa. Chính quyền xây dựng cơ chế, quyết định những không gian thích hợp; nghệ sĩ bảo đảm lựa chọn tác phẩm đẹp, phù hợp không gian, phù hợp nhu cầu thẩm mỹ và thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh; người dân thưởng thức, có ý thức giữ gìn không gian chung. Sự kết nối chặt chẽ này sẽ góp phần bảo đảm không gian nghệ thuật cộng đồng có độ cởi mở, vừa có tính đương đại, vừa có tính truyền thống, tạo ra sự tương tác, gắn kết giữa nghệ sĩ với công chúng, giữa các cá nhân trong cộng đồng, đồng thời hấp dẫn và gợi sự yêu thích để thu hút đông đảo công chúng tới thưởng thức. Chỉ khi cộng đồng thật sự yêu thích không gian nghệ thuật của mình, họ mới có ý thức về việc gắn kết, bảo vệ và phát triển không gian đó.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sáng tạo một không gian nghệ thuật cộng đồng còn cần phải tính đến yếu tố tích hợp, đa năng, vừa có thể tổ chức triển lãm tranh, vừa có thể vẽ graffiti, lại vừa có thể tạo không gian cho các nhóm biểu diễn nghệ thuật. Sự đa năng sẽ khiến các hoạt động nghệ thuật đa dạng hơn, thu hút được nhiều cá nhân cũng như nhóm cộng đồng khác nhau tham gia, từ đó duy trì không gian nghệ thuật cộng đồng hoạt động thường xuyên, lâu dài. Ngoài ra, có thể biến không gian nghệ thuật cộng đồng thành điểm đến du lịch hấp dẫn, giúp quảng bá văn hóa các vùng, miền. Để có được điều này, rất cần sự thấu hiểu, tạo điều kiện đầu tư, phát triển từ chính quyền địa phương. Mỗi người dân, tùy theo năng lực bản thân cũng cần có ý thức tham gia đóng góp cũng như tự nâng cao ý thức của bản thân, coi không gian nghệ thuật cộng đồng như một tài sản quý giá mà mình có trách nhiệm xây dựng, trân trọng và ứng xử đúng đắn.
Theo KHÁNH MINH (Báo Nhân Dân)