Óc Eo là tên gọi của 1 nền văn hóa khảo cổ quan trọng vào loại bậc nhất ở đồng bằng Nam Bộ, nền văn hóa gắn liền với lịch sử của vương quốc Phù Nam, bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam cách đây 2.000 năm. Theo tên gọi, gò Óc Eo là vùng gò đất lẫn đá nổi lên trên cánh đồng phía nam núi Ba Thê (ngày nay thuộc địa bàn thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).
Kể từ sau năm 1975 đến nay, nhiều hoạt động nghiên cứu được giới khảo cổ học Việt Nam triển khai liên quan đến văn hóa Óc Eo, góp phần đem lại nhận thức mới, ngày càng đầy đủ hơn về đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng cư dân cổ từng khai phá vùng đất này trong quá khứ. Đây là dấu tích của nền văn minh lớn, rực rỡ, được phát hiện ở nhiều nơi, với không gian phân bố rộng lớn, bao gồm vùng châu thổ sông Mekong ở khu vực Nam Bộ.
Theo Quyết định 115/QĐ-TTg, Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê có tổng diện tích quy hoạch hơn 433ha, được xác định trong Hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định 1419/QĐ-TTg, ngày 27-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ), bao gồm: Khu vực sườn và chân núi Ba Thê (Khu A), diện tích gần 144ha; Khu vực cánh đồng Óc Eo (Khu B), diện tích gần 290ha; Khu vực bảo vệ I (IB) 151,2ha và Khu vực bảo vệ II (IIB) 138,1ha.
Mục tiêu quy hoạch nhằm bảo vệ các điểm di tích, di vật đã được phát lộ của Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê; nghiên cứu, khảo sát, mở rộng phạm vi khảo cổ để hoàn thiện, chỉnh lý hồ sơ, bổ sung, làm rõ các giá trị liên quan đến di tích, nhất là trong mối liên hệ với các di tích, di chỉ khảo cổ học liên quan đến văn hóa, văn minh Óc Eo.
Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê trở thành khu nghiên cứu khảo cổ học để nhận diện đầy đủ và làm sáng tỏ giá trị của nền văn minh Óc Eo rực rỡ đã từng tồn tại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch của huyện Thoại Sơn và tỉnh An Giang. Kết nối với các điểm đến quan trọng của tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL, hình thành sản phẩm du lịch đặc thù về lịch sử - văn hóa, sinh thái sông nước, đồng quê, nông nghiệp và du lịch (DL) chuyên đề khảo cổ học văn hóa Óc Eo.
Xác định chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích khu dân cư, cảnh quan xung quanh. Tổ chức không gian, cải tạo, nâng cấp, xây mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên vấn đề thoát nước và chống ngập di tích vào mùa mưa, đặc biệt đối với khu vực cánh đồng Óc Eo. Định hướng kế hoạch, lộ trình và nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích Óc Eo - Ba Thê phù hợp với quy hoạch được phê duyệt và đồ án quy hoạch khác có liên quan.
Các nội dung quy hoạch, gồm: Quy hoạch phân khu chức năng; định hướng quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vùng bảo vệ di tích; định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển DL; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật; xác định các nhóm dự án thành phần, phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên nguồn vốn đầu tư các giải pháp thực hiện quy hoạch…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tỉnh dự kiến tổ chức lễ công bố Quyết định 115-QĐ/TTg và Quyết định 2198/QĐ-TTg vào lúc 8 giờ, ngày 10-2-2022 (nhằm mùng 10 tháng Giêng), tại Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo (đường Nguyễn Thị Hạnh, ấp Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn). Chương trình, nội dung lễ công bố phải được chuẩn bị trang trọng, chu đáo; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tiết kiệm và an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Lễ công bố sẽ gắn với việc khái quát một số hoạt động tiêu biểu qua 78 năm phát hiện, khai quật khảo cổ và đặt tên nền văn hóa Óc Eo Nam Bộ để cán bộ, nhân dân được biết, tự hào và nhận thức, thực hiện đúng yêu cầu của các quyết định. Hoạt động công bố các quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm kịp thời triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch và tranh thủ nguồn vốn Trung ương, vốn xã hội hóa để bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, phát huy bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Óc Eo một cách tốt nhất. Sau khi công bố, An Giang tập trung thực hiện các dự án thành phần, nhằm phát huy giá trị di tích gắn với phát triển DL.
THU THẢO