Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở

11/06/2019 - 07:37

 - Những năm qua, các địa phương đã đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở nhằm phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân với các công trình: nhà văn hóa, thư viện, phòng đọc, tủ sách, sân vận động… đều khắp các huyện, thị xã, thành phố. Hệ thống thiết chế văn hóa các cấp đã có những chuyển biến tích cực, trở thành các trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ và hạt nhân cho phong trào văn hóa, thể thao ở cơ sở.

Các thiết chế văn hóa được đầu tư theo hình thức xã hội hóa ở xã Vĩnh Phú (Thoại Sơn)

Xã Vĩnh Phú (Thoại Sơn) là điển hình tiêu biểu phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở ngay từ những ngày đầu thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, đồng thời còn thực hiện thành công xã hội hóa nhiều công trình phục vụ nhân dân. Giai đoạn 2013-2015, xã Vĩnh Phú đã xây dựng xong 6 điểm sinh hoạt cộng đồng tại văn phòng ấp. Kế đến, xã được Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng 500 đầu sách và bộ máy vi tính tại ấp Trung Phú 3. Địa phương tiếp tục vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm làm 1.500 bảng có nội dung “Quyết tâm giữ vững 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới” gắn trước cổng hộ dân dọc theo trục lộ chính. Cũng với hình thức xã hội hóa, năm 2016, xã Vĩnh Phú xây dựng đồng thời Trung tâm Học tập cộng đồng trị giá 400 triệu đồng và sân bóng đá mini; thực hiện các pa-nô, cột treo băng-rôn tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, khẩu hiệu trên toàn địa bàn. Các công trình đến nay được nhân dân tham gia bảo quản, phát huy hiệu quả tích cực. Trưởng ban Nhân dân ấp Trung Phú 2 Nguyễn Thành Trung cho biết, mỗi ngày, tại văn phòng ấp, sáng sớm là chỗ tập thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi, định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng, nơi đây còn là điểm sinh hoạt của Câu lạc bộ cờ tướng, Câu lạc bộ đờn ca tài tử… Mọi người đến sinh hoạt, giao lưu, hội họp, nghe tuyên truyền, đọc sách… Tương tự, các ấp còn lại trong xã đều là nơi đây tập trung sinh hoạt đời sống tinh thần lành mạnh của người dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 73 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn. Trong đó có 50 nhà văn hóa được cải tạo và xây mới theo mô hình Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng, Điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao. Các thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng, cải tạo tổ chức nhiều hoạt động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, tạo sân chơi lành mạnh cho giới trẻ. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trương Bá Trạng, bên cạnh những chuyển biến tích cực, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở một số nơi hoạt động chưa thật sự hiệu quả, còn những hạn chế cần được nhìn nhận thẳng thắn, trách nhiệm để có biện pháp khắc phục. Đó là việc thiếu nhân sự chuyên trách; kinh phí hoạt động; quy định về chế độ phụ cấp và cơ chế xã hội hóa hoạt động… Vẫn còn những quan niệm đánh đồng khái niệm văn hóa với văn nghệ, vui chơi giải trí, xem đây là lĩnh vực thứ yếu, không cấp thiết. Chính vì vậy, một số lãnh đạo cấp xã thiếu quan tâm đến việc xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu tinh thần của người dân. Hoặc có nhiều nơi chỉ quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất để chạy theo các tiêu chí, đạt các danh hiệu, chất lượng hoạt động chưa được quan tâm đúng mức. Một vài địa phương còn tư tưởng cho rằng lĩnh vực văn hóa không sinh lợi, tốn tiền, là lĩnh vực chỉ “xài tiền” mà không đem lại lợi ích cụ thể. Vì vậy, sự tác động của các hoạt động văn hóa đến đạo đức con người ngày một hạn chế. Trong việc này, nhận thức người đứng đầu lãnh đạo ở các địa phương là điều kiện tiên quyết nhất.

Hiện nay, đã có 41/50 Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã xây dựng được dự toán kinh phí hoạt động. Bình quân mỗi xã từ 110-130 triệu đồng, đạt 90-100% so với mức quy định phân bổ của tỉnh. Theo ông Trạng, để hoạt động có hiệu quả cao, các Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng cần có kinh phí hoạt động nhiều hơn nữa. Cần xây dựng cơ chế xã hội hóa, giao cơ sở vật chất cho tư nhân; khai thác hoạt động, còn nhà nước sẽ quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Đối với cấp xã, nên tập trung mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao tập trung cho 3 nhiệm vụ: truyền thanh; tiếp nhận các hoạt động văn hóa - thể thao các tuyến trên; tổ chức các sự kiện văn hóa lịch sử, các hoạt động văn hóa - thể thao tự nguyện, tự giác của người dân. Đồng thời, từng bước xây dựng và ban hành chính sách, cơ chế, khuyến khích, tạo điều kiện cho lực lượng công chức, cán bộ không chuyên trách văn hóa cấp xã ngày càng ổn định về số lượng và phát triển về chất lượng. “Tất cả mọi vấn đề khó khăn sẽ từng bước được khắc phục nếu nơi nào có cán bộ tốt, đủ tâm, đủ sức, đủ chuyên môn hoạt động. An tâm với vị trí việc làm, cán bộ văn hóa đủ chuẩn trong tương lai sẽ cống hiến, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển văn hóa cơ sở”- ông Trương Bá Trạng chia sẻ.

MỸ HẠNH