Quang cảnh Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Hành vi tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức đã được "luật hóa". Việc xử lý các hành vi tham nhũng căn cứ các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, câu hỏi được nhiều người đặt ra, đó là làm thế nào để nhận diện "tiêu cực" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và đấu tranh với những hiện tượng đó như thế nào? Những vấn đề liên quan đến "tiêu cực" có thể được thể chế hóa, đưa vào luật hay chỉ dừng lại ở những quy định về đạo đức công vụ và các quy định những điều đảng viên không được làm?
Theo cách hiểu thông thường người ta dễ nhận diện tiêu cực. Ðó là những hiện tượng không lành mạnh, có tác dụng phủ định, cản trở, tác động không tốt đến quá trình phát triển của xã hội. Biểu hiện của tiêu cực có nhiều mức độ khác nhau, nhẹ thì là một hành vi, cử chỉ, lời nói chưa chuẩn mực; nặng hơn là những thói cục bộ, hách dịch, bè phái, ham địa vị, lạm dụng quyền lực… Trong một xã hội trọng tình như Việt Nam, nhiều hành vi tiêu cực dễ bị bỏ qua khiến cho đôi khi tiêu cực nhỏ biến thành sai phạm lớn. Thí dụ như chuyện "nâng đỡ không trong sáng" từng xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương là thí dụ điển hình. Ban đầu chỉ là bố trí công việc cho người thân, quen rồi sau đến là "bổ nhiệm thần tốc" dù cho người đó thiếu chuyên môn, trình độ. Dẫn đến những hệ lụy rất lớn làm suy giảm lòng tin, đánh mất uy tín của người dân đối với bộ máy chính quyền.
Tiêu cực thì dễ thấy nhưng xử lý thì rất khó. Bởi như đã biết tiêu cực có nhiều mức độ. Ðôi khi chỉ cần một lời nhắc nhở, cũng đã có thể đẩy lùi tiêu cực nhưng quan trọng là lời nhắc nhở đấy là từ ai và nhắc nhở ai? Trong rất nhiều trường hợp, người có chức trách, thẩm quyền nhắc nhở lại không đánh giá đúng biểu hiện tiêu cực của cấp dưới. Có những cán bộ dùng xe công vào việc riêng, khi được báo cáo thì lãnh đạo lại xuề xòa "thôi tạo điều kiện cho anh em còn khó khăn".
Và cứ thế, từ những chuyến xe "mượn" cơ quan để "làm oai" với thiên hạ đó, tới việc lạm quyền cũng rất gần.
Một khía cạnh khác của việc đấu tranh phòng, chống tiêu cực cũng được dư luận quan tâm đó là những phản ánh về hành vi tiêu cực sẽ được ghi nhận, xử lý như thế nào?
Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, nhân dân là đối tượng dễ dàng cảm nhận biểu hiện "tiêu cực" của cán bộ, công chức trong khi thực thi chức trách, nhiệm vụ, cơ chế một dấu, một cửa, một cửa liên thông; cải cách hành chính; thực hiện chính phủ điện tử;... chính là những chủ trương ra đời từ thực tiễn và cho thấy hiệu quả không chỉ trong nâng cao hiệu quả công việc mà còn góp phần làm giảm, ngăn ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu.
Ðể góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh có hiệu quả với những hành vi, biểu hiện tiêu cực của cán bộ, đảng viên, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội với vai trò giám sát cần tiếp tục đổi mới hoạt động, chủ động ghi nhận, xử lý những phản ánh của nhân dân. Khi đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần có quy chế phù hợp để tiếp nhận và giải quyết hiệu quả những phản ánh của dư luận thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cũng như những ý kiến trực tiếp của người dân. Cũng cần có biện pháp kiểm soát quyền lực; thực thi dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình để bảo vệ người tố cáo, tố giác, phát hiện những biểu hiện tiêu cực trước hành vi nhũng nhiễu, đe dọa của đối tượng bị tố giác.
Chủ trương chống tham nhũng, tiêu cực của Ðảng được người dân ủng hộ và thực tế rất nhiều người dân mong muốn được góp sức vào "cuộc chiến" này. Ngoài việc tích cực tuyên truyền để người dân nhận rõ vai trò, trách nhiệm đối với chủ trương chung của Ðảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cấp ủy đảng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phân tích thông tin, kịp thời xử lý những biểu hiện tiêu cực ngay từ khi hình thành dư luận, không để "cái sảy nảy cái ung".
Bên cạnh đó, cũng cần phân loại một cách hợp lý những biểu hiện tiêu cực để có biện pháp đấu tranh, phòng ngừa ngăn chặn ngay từ khi mới hình thành. Các cấp ủy đảng phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ thẳng thắn góp ý, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong sinh hoạt cũng như công tác; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên gắn với các phong trào thi đua yêu nước, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Tin rằng với việc phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân cùng với sự phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm đúng người, đúng việc, việc triển khai mô hình Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực tế sẽ được cụ thể hóa bằng những chương trình hành động, cách làm cụ thể, nghiêm minh với tinh thần mạnh dạn, sáng tạo, lấy thực tiễn là tiêu chuẩn kiêm nghiệm chân lý; nhằm đạt mục tiêu đúng với kỳ vọng của Ðảng, của nhân dân.
Theo LÊ ĐÔNG (Báo Nhân Dân)