Phát huy vai trò doanh nghiệp nhà nước

22/07/2022 - 07:17

Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng năm 2021, tổng doanh thu khối doanh nghiệp (DN) nhà nước vẫn vượt 43,3% kế hoạch, tăng 7,8% so năm 2020; lợi nhuận trước thuế vượt 41,7% kế hoạch, tăng 22,5% so năm 2020; nộp ngân sách chiếm 17-23% tổng thu ngân sách nhà nước... Điều này cho thấy, khi được tái cơ cấu, đổi mới quản trị, DN nhà nước vẫn hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò quan trọng trong nền kinh tế, chứ không như một số luận điệu cứ mặc định rằng: “DN nhà nước luôn hoạt động kém hiệu quả; là nơi dung túng cho tham ô, tham nhũng, lãng phí”.

Tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ mới đây, Đảng bộ Khối DN Trung ương cho biết, các DN trong khối, gồm: 9 tập đoàn kinh tế, 20 tổng công ty, 6 ngân hàng, 1 tổ chức tài chính nhà nước, với tổng số 930 DN trực thuộc. Tổng vốn điều lệ của các DN tính đến hết quý I/2022 là 1,1 triệu tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu đạt trên 1,64 triệu tỷ đồng; tổng tài sản của các DN hơn 9,93 triệu tỷ đồng.

Làm việc với Đảng bộ Khối DN Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khu vực DN nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần dẫn dắt, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển.

Trong giai đoạn nước ta chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, vai trò của khu vực DN nhà nước càng được phát huy và thể hiện rất rõ nét. Các DN nhà nước đã tích cực triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD), góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và tham gia phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, để hoạt động của khu vực DN nhà nước tương xứng với nguồn lực nắm giữ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DN nhà nước. Thực tế, giai đoạn 2016-2020, cả nước đã hoàn thành cổ phần hóa 39 DN; xây dựng lộ trình và tổ chức bán phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên. Giai đoạn này, đã thoái vốn và nộp về ngân sách nhà nước 221.700 tỷ đồng. Trong tái cơ cấu, cơ quan quản lý chú trọng sắp xếp lại, nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công tác quản trị, công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý nguồn nhân lực... của khu vực DN nhà nước.

Năm 2021, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị thông qua phương án xử lý 5/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả và đang tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện phương án xử lý đối với 7 DN còn lại. Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định phương án xử lý đối với 4 tổ chức tín dụng yếu kém. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng tích cực chỉ đạo xử lý đối với các dự án lớn, như: Nhiệt điện Thái Bình 2, nhiệt điện Long Phú 1, lọc hóa dầu Nghi Sơn, vốn cho Vadifi, chuỗi dự án khí lô B và Trung tâm điện lực Ô Môn, các vấn đề liên quan đến các sân bay...

Theo đánh giá, hầu hết các DN trong Đảng bộ Khối DN Trung ương vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm. Năm 2021, tổng doanh thu vượt 43,3% kế hoạch, tăng 7,8% so năm 2020; lợi nhuận trước thuế vượt 41,7% kế hoạch, tăng 22,5% so năm 2020; hiệu quả hoạt động SXKD sau khi cơ cấu lại được nâng lên, nộp ngân sách chiếm 17-23% tổng thu ngân sách nhà nước...

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng theo đánh giá của Chính phủ, hoạt động của các DN nhà nước thời gian qua vẫn có những tồn tại, hạn chế. Trong đó, vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét; năng lực đổi mới, sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Thực tế, hiệu quả hoạt động của khu vực DN nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Các DN nhà nước chưa liên kết chặt chẽ với nhau, chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN tư nhân, trong đó có các DN nhỏ và vừa cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị…

Có một số ý kiến xuyên tạc cho rằng, Việt Nam dành ưu ái cho DN nhà nước, chưa đối xử công bằng giữa DN nhà nước và DN tư nhân, chưa thật sự vận hành theo kinh tế thị trường; DN nhà nước là “ổ” tham ô, tham nhũng, lãng phí… Trên thực tế, dù khẳng định vai trò quan trọng của DN nhà nước nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém cần khắc phục; hệ thống pháp luật được xây dựng rõ ràng, minh bạch, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế. Làm việc với Đảng bộ Khối DN Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các DN nhà nước cần xác định, có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, các DN nhà nước phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm, “biến nguy thành cơ” để phát triển tốt hơn trong điều kiện khó khăn.

Thủ tướng cũng nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DN nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DN nhà nước. Thủ tướng yêu cầu vừa phải nâng cao hiệu quả SXKD, vừa khắc phục, xử lý các công việc, nhiệm vụ tồn đọng, vừa giải quyết các vấn đề đột xuất, phát sinh.

Vai trò của DN nhà nước luôn được quan tâm, khẳng định, nhưng trách nhiệm cũng rõ ràng, minh bạch. Kinh tế nhà nước luôn là thành phần kinh tế bình đẳng như những thành phần kinh tế khác, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do vậy, không có chuyện DN nhà nước được ưu ái hơn DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài, càng không có chuyện dung túng cho cán bộ quản lý DN nhà nước tham nhũng, lãng phí; những sai phạm trong công tác quản lý DN nhà nước đều bị xử lý nghiêm, công khai, minh bạch.

N.H