Phát huy vai trò quần chúng nhân dân trong giữ gìn an ninh trật tự

03/01/2020 - 06:59

 - Huyện Phú Tân hiện có 12 mô hình quần chúng nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), như: “Xe Honda đầu phòng, chống tội phạm”, “Camera an ninh”, “Tiếng loa an ninh”, “Phòng cháy, chữa cháy”… Từng địa phương có cách làm linh hoạt, sáng tạo, góp phần làm trong sạch địa bàn, đảm bảo tốt tình hình ANTT.

Trong công tác giữ gìn ANTT tại cơ sở thì các mô hình quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc đóng vai trò quan trọng. Tùy theo đặc điểm, tình hình của mỗi nơi, công an và chính quyền địa phương, các đoàn thể có hình thức tập hợp quần chúng nhân dân phù hợp, nhằm phát huy sức mạnh tập thể bảo vệ ANTT. Bên cạnh các mô hình hiệu quả do công an thành lập, còn có một số mô hình, câu lạc bộ của MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội, như: Câu lạc bộ đoàn viên, hội viên phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội (xã Phú Hưng và xã Tân Hòa); gia đình không tham gia tệ nạn xã hội của các chi hội phụ nữ (xã Bình Thạnh Đông và xã Tân Hòa). Mô hình “Camera an ninh” được triển khai theo hình thức xã hội hóa bắt đầu từ năm 2017, đến nay toàn huyện có 12 xã, thị trấn lắp đặt 198 camera ở những nơi có khả năng xảy ra tội phạm.

Công an huyện Phú Tân khen thưởng đột xuất cho thầy Tùng và em Giang

Qua xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, quần chúng nhân dân tin tưởng cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến hoạt động của tội phạm và tệ nạn xã hội. Tiêu biểu mới đây, Công an huyện Phú Tân đã tổ chức khen thưởng đột xuất cho 2 thầy trò Trường Tiểu học “B” Phú Thọ, là thầy Phạm Văn Tùng và em Đặng Hoàng Giang. Ngày 26-10, Phan Văn Ngọc (34 tuổi, cư trú ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ) tổ chức uống rượu cùng bạn tại nhà, sau đó ra ruộng câu cá. Trong lúc câu cá, thấy có 2 em nhỏ đứng xem, Ngọc nảy sinh ý định muốn quan hệ tình dục với 1 trong 2 em, nên đã dụ dỗ 1 em đi tìm cần câu để câu chung và dẫn em còn lại ra vườn chuối thực hiện hành vi đồi bại. Do em gái phản kháng quyết liệt rồi kêu cứu nên em Giang phát hiện và nói cho thầy Tùng biết sự việc. Thầy Tùng nhanh chóng điện báo Công an xã Phú Thọ kịp thời cứu em gái thoát khỏi hành vi đồi bại của Ngọc.

Năm 2019, huyện Phú Tân xảy ra 2 vụ cháy, tổng thiệt hại tài sản khoảng 550 triệu đồng. Ở địa hình dân cư ngăn cách bởi sông, kênh, rạch và trung tâm huyện, người dân các xã đã nghĩ ra nhiều biện pháp chữa cháy tự chế khác nhau, góp sức cứu nạn ban đầu trong khi chờ lực lượng chuyên nghiệp đến. Trong đó, phải kể đến đội chữa cháy tình nguyện xã Hòa Lạc do các lão nông hợp sức nhau làm. Đội được thành lập vào năm 2015, hoạt động ban đầu với xe đẩy tay lưu động. Năm 2017, đội mua chiếc xe cũ về cải tiến, nâng cấp thùng chứa nước và vận hành nhanh hơn. Xe tự chế có khả năng len lỏi vào các hẻm nhỏ, khu dân cư đông đúc nhằm chữa lửa kịp thời. Đến năm 2019, nhân dân tiếp tục đóng góp mua thêm 1 chiếc xe tải, bồn chứa được chế thành từng ngăn và trang bị thêm 1 máy dầu nhỏ có chức năng bơm nước trực tiếp từ sông lên bồn. Ngoài ra, còn trang bị thêm 5 ống dẫn nước dài hơn 100m, lực nước bắn xa hơn 30m. Công suất mỗi xe khoảng 2.500 lít và 4.000 lít nước. Ông Huỳnh Bảo Ý (người tham gia bảo quản chiếc xe) chia sẻ: “Theo định kỳ phải bảo trì, kiểm tra máy móc để khi có sự cố thì vận hành ngay, chi phí này do anh em trong đội tự hùn nhau là chính. Khi có sự cố, dù đang ở đâu anh em cũng tập hợp về, nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Bảo quản kỹ mà thấy chiếc xe không được xài tới thì càng mừng”. Cuối tháng 12, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã tổ chức trao tặng giấy khen và một số phương tiện chữa cháy cho đội chữa cháy tình nguyện xã Hòa Lạc.

Việc phát huy vai trò và tinh thần cảnh giác của nhân dân đã góp phần bảo vệ sự bình yên cho mỗi vùng quê. Qua các mô hình về ANTT, người dân ý thức hơn trách nhiệm của mình, chủ động phòng ngừa, tố giác tội phạm, tạo thế trận giữ gìn ANTT vững chắc.

MỸ HẠNH