Hướng dẫn tham quan mô hình khép kín của gia đình, anh Nghĩa cho biết, trước đây gia đình anh chủ yếu trồng lúa, rau màu các loại kết hợp nuôi bò thịt, tuy vậy thu nhập vẫn bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống. Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã theo hướng ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, năm 2014, anh Nghĩa quyết tâm tăng gia sản xuất, thực hiện chuyển đổi 3 công đất trồng lúa, trồng màu sang trồng mãng cầu Xiêm, ổi kết hợp chăn nuôi bò và gà thịt. Vườn mãng cầu Xiêm và ổi đến nay đã ra trái và mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Nhạy bén hơn, anh Nghĩa còn tìm hiểu cách thức chế biến trà mãng cầu để tăng giá trị sản phẩm và ứng biến những lúc vườn mãng cầu ra trái đồng loạt nhưng bị dội chợ.
Chỉ tay vào chuồng gà, anh Nghĩa chia sẻ: “Tôi đã nuôi gà từ lâu, nhưng trước đây không dám nuôi số lượng nhiều vì rất dễ bị hao hụt, do gà bị bệnh và gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Từ khi được tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học do Hội Nông dân xã tổ chức, tôi đã cải tạo chuồng trại áp dụng nuôi trên đệm lót sinh học để tăng số lượng đàn gà. Phương pháp nuôi gà bằng đệm lót sinh học không sợ vấn đề ô nhiễm môi trường, gà ít bệnh, sinh trưởng và phát triển nhanh”.
Chuồng gà áp dụng phương pháp nuôi bằng đệm lót sinh học của anh Nghĩa
Theo anh Nghĩa, nuôi gà trên đệm lót sinh học dễ áp dụng vì chi phí đầu tư không cao, chỉ cần sử dụng các loại nguyên liệu như: trấu, mùn cưa, vỏ bào… kết hợp vi sinh vật sẽ phân giải phân do gà thải ra, hạn chế mùi hôi và giữ ấm cho gà. Diện tích chuồng 500m2, anh Nghĩa thả nuôi 270 con, nuôi theo hình thức xoay vòng. Sau 4 tháng nuôi tỷ lệ sống đạt trên 95%, trọng lượng gà trung bình từ 1,4-1,7kg/con. Bán cho thương lái với giá 100.000-120.000 đồng/kg, mỗi lứa gà sau khi xuất chuồng, trừ chi phí anh còn lời khoảng 20 triệu đồng.
Bên cạnh chuồng gà là đàn bò anh Nghĩa mới bổ sung thêm khi vừa xuất bán 6 con sau thời gian chăm sóc. Anh Nghĩa cho biết, bò thịt dễ nuôi, dễ chăm sóc, thức ăn lại dễ kiếm. Chỉ cần thường xuyên vệ sinh, giữ cho chuồng trại sạch, khô ráo, thoáng mát là bò phát triển rất tốt. Mỗi con bò thịt nuôi khoảng 8 tháng là có thể xuất chuồng, trừ chi phí có thể lời gần 8 triệu đồng/con… Đồng thời, anh Nghĩa còn nuôi trùn quế để tận dụng nguồn phân bò tránh gây ô nhiễm môi trường. Trùn quế trở thành nguồn thức ăn sạch, đảm bảo dinh dưỡng cho đàn gà, cộng thêm việc áp dụng nuôi trên đệm lót sinh học nên đàn gà rất nhanh lớn, không bị dịch bệnh, chất lượng thịt chắc, thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng. Nguồn phân trùn quế thải ra là loại phân bón rất tốt, làm tăng năng suất, sản lượng cho vườn mãng cầu và ổi. Phụ phẩm từ vườn cây ăn trái được sử dụng làm thức ăn cho bò. Đây là chuỗi khép kín tận dụng từ thức ăn đến phân bón ?? ti?t ki?m chi ph?để tiết kiệm chi phí. Qua đó, hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng thức ăn và phân, thuốc hóa học, góp phần đảm bảo cho sản phẩm cây trồng, vật nuôi theo hướng sạch và an toàn với người sử dụng. Vì vậy hiện nay, số lượng gà thịt, mãng cầu Xiêm và ổi do anh Nghĩa nuôi trồng đã được một công ty ở TP. Long Xuyên ký hợp đồng bao tiêu, đảm bảo ổn định giá cả và đầu ra cho sản phẩm.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Khánh Nguyễn Hồng Hà cho biết, nhờ áp dụng mô hình khép kín trong trồng trọt và chăn nuôi, anh Nghĩa không chỉ tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn giúp hạn chế ô nhiễm môi trường. Sắp tới, Hội Nông dân xã Mỹ Khánh sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp, ngành chuyên môn tạo điều kiện, hỗ trợ về vốn cũng như kỹ thuật cho các hộ nông dân mở rộng những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với mục đích chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
TRỌNG TÍN