Phát triển kinh tế từ những mô hình nông nghiệp hiệu quả

28/03/2023 - 08:14

 - Những năm qua, nhiều nông dân trong tỉnh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no cho nông dân.

Mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế của nông dân trong tỉnh

Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, bệ đỡ trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chương trình phát triển nông nghiệp, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai theo phương châm lấy thị trường làm mục tiêu, định hướng cho sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa.

Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều kết quả, giảm dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả, tăng tỷ trọng ngành rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng, giá trị sản xuất được nâng lên. Cũng từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình mới phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng nhu người thị trường góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Điển hình như mô hình “Cánh đồng lớn” và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Điển hình như nông dân Đinh Thành Nam (xã Hòa An, huyện Chợ Mới) sở hữu tổng diện tích 35ha đất trồng lúa với tổng doanh thu 9,2 tỷ đồng/năm; Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên), Câu lạc bộ nông dân giỏi trồng bưởi da xanh xã Phú Thạnh (huyện Phú Tân), Tổ hợp tác nuôi lươn xã Tân An (TX. Tân Châu), Hợp tác xã An Bình (huyện Thoại Sơn), Hợp tác xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn)… với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Song song đó, còn có các mô hình trồng rau màu an toàn ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, nhà màng với chất lượng tốt và được bao tiêu đầu ra thông qua hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp (DN), chợ, siêu thị trong tỉnh ở các địa phương: Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn và TX. Tân Châu. Hợp tác xã sản xuất rau an toàn xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) đang sản xuất 19 chủng loại rau ăn lá và kết nối cung cấp từ 700 - 1.000kg rau mỗi ngày cho các chợ, siêu thị, trường học và DN trên địa bàn TP. Long Xuyên.

Hay, nông dân La Tráng Kiện (xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành) mạnh dạn chuyển đổi 2,4ha đất trồng lúa sang trồng đậu nành rau và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang với tổng doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm. Bên cạnh còn có các nông dân Nguyễn Thanh Pho (xã Long Giang, huyện Chợ Mới), nông dân Phạm Quý Ngọc (xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân) trồng rau màu an toàn ứng dụng công nghệ cao với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm.

Trong làm vườn và sản xuất đa canh xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi có ứng dụng khoa học - kỹ thuật, quy trình canh tác tuân thủ quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm gắn kết với DN để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đơn cử như nông dân Võ Văn Em (xã Long Kiến, huyện Chợ Mới) trồng sầu riêng với tổng doanh thu 1,4 tỷ đồng/năm.

Nông dân Bùi Văn Quý (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng doanh thu 2,3 tỷ đồng/năm. Hay mô hình sản xuất nông nghiệp, kết hợp giữa chăn nuôi bò, trồng cây ăn trái và rau màu của nông dân Đinh Văn Đủ (huyện Chợ Mới) với tổng doanh thu 1,3 tỷ đồng/năm. Hoặc mô hình trồng nấm mối đen từ nguồn nguyên liệu rơm rạ của nông dân Châu Thị Nương (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) với tổng doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân đã đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, liên kết sản xuất chăn nuôi gắn với phát triển thị trường tiêu thụ

Điển hình như nông dân Phó Văn Tới (xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) với mô hình trang trại chăn nuôi dê với tổng doanh thu 8,8 tỷ đồng/năm; nông dân Khưu Đức Hùng (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) nuôi cá tra thịt với quy mô từ 1,5 - 3ha cho doanh thu từ 8 - 16 tỷ đồng/năm; nông dân Nguyễn Trung Tính (xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới) với mô hình nuôi lươn tổng doanh thu 1,3 tỷ đồng/năm. Hay mô hình trồng lúa và nuôi cá của nông dân Ngô Văn Đậu (xã Phú Thành, huyện Phú Tân) với tổng doanh thu 22,4 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, hiện nay nông nghiệp kết hợp du lịch (DL) sinh thái là loại hình DL dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đến với mô hình này, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động, như: Tham quan trang trại nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp, thu hoạch trái cây hoặc rau củ, tìm hiểu về quá trình sản xuất nông nghiệp.

Gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp kết hợp với DL sinh thái, như: Nông trại Phan Nam (TP. Long Xuyên), vườn sinh thái Út Cưng, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Tuấn Phong (TP. Châu Đốc)… bước đầu đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, góp phần tăng thu nhập cho các nông hộ, phát triển DL nông nghiệp, nông thôn.

Với việc đẩy mạnh sản xuất và phát triển những mô hình nông nghiệp hiệu quả đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung. Không chỉ tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa chủng loại cây trồng, vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn khuyến khích nông dân đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất góp phần khai thác tốt nguồn lực đất đai, lao động, nguồn vốn, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hành sản xuất an toàn, sản xuất sạch, sản xuất xanh thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững.

TRỌNG TÍN