Phát triển làng nghề huyện cù lao

22/05/2023 - 05:42

 - Việc duy trì và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn giá trị văn hóa; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân khu vực nông thôn. Xác định mục tiêu trên, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chương trình, giải pháp căn cơ.

Các làng nghề, làng nghề truyền thống tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn

Giải quyết việc làm

Được hình thành cách đây khoảng 100 năm, Làng nghề đan đát Long Giang (xã Long Giang) tập trung chủ yếu ở địa bàn ấp Long Mỹ 2 và Long Phú. Sản phẩm chủ yếu: Rổ, thúng, xề, nia…

Ông Đinh Hùng Cường (Tổ trưởng Làng nghề đan đát Long Giang) cho biết, hiện có hơn 80 hộ, khoảng 350 lao động tham gia vào các quá trình tạo ra sản phẩm. “Thời gian gần đây, chúng tôi đã có sự phân chia công đoạn để rút ngắn thời gian sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh. Hơn hết, việc phân chia lao động sẽ giúp tạo ra sản phẩm đồng đều, dễ tiêu thụ hơn… Tùy vào từng công đoạn, mỗi lao động có mức thu nhập từ 40.000 - 200.000 đồng/ngày” - ông Cường chia sẻ.

Làng nghề làm dây keo xã Mỹ Hội Đông là một trong những làng nghề tham gia giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Các sản phẩm của làng nghề là dây chỉ PP các loại, từ dây rất nhỏ đến 30mm; giá bán từ 12.000 - 16.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ dây keo là các tỉnh ĐBSCL và xuất khẩu sang Vương quốc Campuchia. Tại làng nghề hơn nửa thế kỷ này, hiện có 348 hộ tham gia sản xuất, với khoảng 848 lao động thường xuyên, có mức thu nhập từ 4,5 - 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Huyện Chợ Mới có 13 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, 8 làng nghề truyền thống và 5 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề thu hút 3.560 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho 6.535 lao động, mức thu nhập bình quân từ 2,8 - 10,5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, một số sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống đã có sự cải tiến đáng kể về mẫu mã, chất lượng phù hợp với nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng. Không những vậy, khi làng nghề hoạt động ổn định còn góp phần gắn kết phát triển các lĩnh vực dịch vụ, du lịch; gia tăng giá trị sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động địa phương.

Ngoài ra, tại các làng nghề còn thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường; đưa nội dung bảo vệ môi trường làng nghề vào hương ước, quy ước của địa phương. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn được lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo lượng chất thải phát sinh được thu gom, quản lý, xử lý đúng quy định.

Bảo tồn, phát triển làng nghề

Có được những kết quả trên, thời gian qua, các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Chợ Mới đã và đang nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Nhiều chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống được triển khai, điển hình như: Vay vốn sản xuất, hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị công nghệ mới, mời tham dự hội chợ, triển lãm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm

Mặt khác, cơ sở hạ tầng tại các làng nghề được đầu tư phát triển đồng bộ, thông suốt; giao thông thuận lợi, điện lưới quốc gia phủ khắp các xã, thị trấn, tất cả làng nghề đều có điện phục vụ sản xuất. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cũng được tổ chức thường xuyên, giúp lao động nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho gia đình và cá nhân, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Chợ Mới triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển làng nghề. Theo đó, UBND huyện tiếp tục phát triển, công nhận các làng nghề; ban hành quy định, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, địa phương triển khai giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống; tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống của địa phương có chiều hướng mai một. Đồng thời, phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng sản phẩm chất lượng cao, mang tính truyền thống đặc trưng ở địa phương…

UBND huyện Chợ Mới hỗ trợ vốn đầu tư cho làng nghề, làng nghề truyền thống và ngành nghề nông thôn. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm; triển khai đề tài, dự án hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Từ đó, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của làng nghề, ngành nghề nông thôn.

ĐỨC TOÀN