Phát triển làng nghề truyền thống

02/12/2022 - 07:13

 - Toàn huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) hiện có 255 cơ sở, sản xuất - kinh doanh thuộc ngành nghề phát triển nông thôn, gồm: Chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn, sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan đát…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo, huyện định hướng phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, trên cơ sở ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh. Trong đó, chú trọng phát triển ngành nghề với các sản phẩm là thế mạnh của huyện gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Các cơ sở trên địa bàn huyện đang tạo việc làm cho hơn 1.100 lao động, với thu nhập bình quân từ 3,5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Phần lớn các ngành nghề hoạt động sản xuất quanh năm, thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài tỉnh. Riêng các mặt hàng sản xuất của lò rèn Phú Mỹ, bó chổi Phú Bình còn xuất sang thị trường ngoài nước.

Nhìn chung, lĩnh vực ngành nghề nông thôn có sự phát triển, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo hiệu quả. Cùng với đó, việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu đã được một số cơ sở quan tâm, như: Chả cá thát lát (xã Phú Bình), chế biến dâu tằm (xã Phú Hưng) được tỉnh công nhận sản phẩm đạt OCOP chuẩn 3 sao. Các sản phẩm trà (xã Phú Thành) và lạp xưởng từ cá thát lát đang làm thủ tục để tiếp tục xét theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.

Làng nghề sản xuất bánh phồng

Ông Nguyễn Quốc Bảo thông tin, đến nay, toàn huyện có 3 điểm làm nghề, làng nghề truyền thống, gồm: Nghề rèn, bánh phồng tập trung tại thị trấn Phú Mỹ, bó chổi bông sậy ở xã Phú Bình. Làng nghề bó chổi bông sậy tại xã Phú Bình có 350 hộ sản xuất với 750 lao động. Các cơ sở sản xuất, hơn 2 triệu sản phẩm/tháng, doanh thu 7,56 tỷ đồng/năm và tạo thu nhập bình quân 7 triệu đồng/lao động/tháng.

Làng nghề luôn cải tiến mẫu mã, cán nhựa nhẹ, vừa đẹp vừa bền, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Còn làng nghề truyền thống rèn Phú Mỹ có 66 hộ sản xuất với 264 lao động. Sản lượng bình quân khoảng 85.000 sản phẩm/tháng, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh ĐBSCL và miền Trung. Hiện, sản phẩm đã được tiêu thụ sang Lào và Campuchia, doanh thu 3,3 tỷ đồng/năm và thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/lao động/tháng.

Thị trấn Phú Mỹ còn có làng nghề bánh phồng nổi tiếng và sử dụng nguyên liệu nếp đặc sản CK92 của địa phương sản xuất. Hiện còn 15 hộ làm bánh phồng thường xuyên với 110 lao động, bình quân sản phẩm khoảng hơn 3,4 triệu cái bánh/tháng. Những năm qua, bánh phồng Phú Mỹ được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh lân cận và những kỳ hội chợ triển lãm tại tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh, Vương quốc Campuchia.

Làng nghề này còn được Sở Công Thương An Giang hỗ trợ 9 hộ đầu tư mới 14 máy, với tổng số tiền 913 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho 1 hộ xây dựng mô hình nhà phơi sấy năng lượng mặt trời, với số tiền 76 triệu đồng.

“Hạn chế của các làng nghề hiện nay là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Nhu cầu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm, nên khó hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để tổ chức sản xuất quy mô lớn. Mặt khác, các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ qua thương lái, nhiều sản phẩm tiêu thụ theo mùa, thời vụ… Điều này gây khó khăn trong xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đồng thời, khả năng xúc tiến thương mại, sản phẩm tạo ra không mang lợi nhuận cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, chủ yếu vẫn là nội địa” - ông Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ.

Nghề rèn ở thị trấn Phú Mỹ

Với những thế mạnh và hạn chế được phân tích, việc thúc đẩy phát triển các ngành nghề, làng nghề theo kế hoạch của UBND huyện sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề hiện có, tập trung phát triển sản phẩm đặc thù của từng địa phương. Việc quản lý các làng nghề được công nhận còn đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, giúp địa phương hình thành các sản phẩm tiêu biểu, phát triển sản phẩm OCOP phục vụ phát triển du lịch.

Trong giai đoạn 3 năm, huyện Phú Tân thực hiện hỗ trợ ít nhất 1 dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống theo từng ngành nghề, từng lĩnh vực. Đồng thời, hỗ trợ cơ sở ngành nghề, làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại. Huyện phấn đấu đến năm 2025 hỗ trợ chính sách 5 sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP từ các sản phẩm làng nghề và ngành nghề nông thôn.

Để đạt được mục tiêu, Phú Tân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách khuyến khích phát triển làng nghề và ngành nghề nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành. Địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn để đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới.

Phú Tân cũng khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ khai thác, phát triển tài sản trí tuệ cho các nhóm ngành nghề truyền thống, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ trong hoạt động sản xuất của ngành nghề nông thôn, ưu tiên cho các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích