Phát triển năng lượng tái tạo

08/01/2019 - 07:46

 - An Giang có tiềm năng về năng lượng tái tạo do có nguồn năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, như: củi gỗ, trấu, phụ phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp, nhiên liệu sinh học... Tuy nhiên, việc đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có.

Tiềm năng, lợi thế    

Với lợi thế là tỉnh nông nghiệp, An Giang có tiềm năng phát triển các nhà máy phát điện từ phụ phẩm nông nghiệp và năng lượng sinh khối. An Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong năm có 2 mùa rõ rệt gồm mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 270C, lượng mưa trung bình năm ở mức cao, khoảng 1.130mm. Độ ẩm trung bình 75 - 80%, khí hậu thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và phát triển năng lượng sạch. 

Toàn tỉnh có hơn 353.666ha đất tự nhiên, trong đó đất canh tác trên 265.000ha, nguồn nước ngọt quanh năm, đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi cho nông nghiệp phát triển. Theo Sở Công thương, An Giang có tiềm năng lớn về năng lượng sinh khối, với sản lượng lúa hàng năm khoảng 4 triệu tấn thì mỗi năm phát sinh khoảng 8 triệu tấn rơm, rạ và khoảng 800.000 tấn trấu. Ngoài ra, An Giang còn có nhiều loại nguyên liệu sinh khối khác như: thân cây bắp, mùn cưa, bã mía… có thể khai thác vào việc phát điện và sản xuất các loại năng lượng khác. Ước tính, tổng lượng sinh khối của An Giang đạt khoảng 10 triệu tấn, có thể sản xuất tương đương 17 triệu MWh điện mỗi năm. Nếu tận dụng hiệu quả các phụ phẩm này để phát điện không chỉ tăng thêm lợi ích kinh tế, mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong điều kiện biến đổi khí hậu… Vì vậy, đây là những nguồn năng lượng sạch, quý giá, cần được khai thác và sử dụng hiệu quả.

Riêng về tiềm năng điện gió, theo các chuyên gia, với công nghệ hiện đại, chỉ cần tốc độ gió từ 5 m/s trở lên, tua-bin đã có thể phát điện. Đối với năng lượng mặt trời, An Giang có thể lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời ở nhiều vùng khác nhau như: trên hồ nước, đồng bằng, rừng núi, trên mái nhà… có thể sản xuất ra hàng triệu KW điện từ bức xạ năng lượng mặt trời. 

Phát triển năng lượng tái tạo

Điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa ở An Giang rất thuận lợi để phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió

Tăng cường thu hút đầu tư

Phó Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương) Nguyễn Minh Triết cho biết, với vai trò tham mưu cho UBND tỉnh trong lĩnh vực công thương, Sở Công thương đã phối hợp Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) lập đề án phát triển và sử dụng nguồn năng lượng sinh khối trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, chủ trì tổ chức xây dựng quy hoạch phát triển điện lực An Giang giai đoạn 2016-2025 (có xét đến năm 2035) được Bộ Công thương phê duyệt hợp phần quy hoạch lưới điện 110 kV và UBND tỉnh phê duyệt hợp phần quy hoạch chi tiết lưới điện trung - hạ thế. Đối với đề án phát triển nguồn năng lượng mặt trời, đến nay đã làm việc hơn 40 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Hiện, đã có 4 dự án nhà máy điện mặt trời được Bộ Công thương, Chính phủ cho chủ trương bổ sung vào quy hoạch điện lực. Dự kiến tháng 6-2019 sẽ đóng điện, hòa vào lưới điện quốc gia khoảng 210 MWp. Ngoài ra, một số trụ sở cơ quan, công ty đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất các công trình khoảng 130 KWp.

Điển hình là Tập đoàn Sao Mai - đơn vị tiên phong khai thác năng lượng sạch bằng việc lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên nóc Nhà máy số 1 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI - thành viên của Tập đoàn Sao Mai) với tổng công suất 1,06 MW, vốn đầu tư gần 2 triệu USD. Hơn 1 năm sử dụng đã phát huy hiệu quả tiết kiệm hơn 20% chi phí tiền điện cho IDI.

Tháng 9-2018, Tập đoàn Sao Mai và Sterling Wilson - tập đoàn tư vấn và xây dựng các công trình điện mặt trời hàng đầu Ấn Độ, đã ký kết hợp đồng tổng thầu thi công dự án Nhà máy điện mặt trời Sao Mai tại xã An Hảo (Tịnh Biên), với trị giá tổng thầu gần 80 triệu USD… Dự kiến, sau khi hoàn thành các hạng mục, 10 năm tới, Nhà máy điện mặt trời Sao Mai sẽ có tổng công suất phát điện khoảng 2,5 tỷ KWh/năm.

UBND tỉnh đã làm việc với Công ty TNHH Sanden Technology Việt Nam (thuộc Tập đoàn Sanden Holding - Nhật Bản) về phát triển năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đề xuất Sanden Holding nghiên cứu đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh, phát triển dự án điện rác để xử lý nguồn nhiệt thải ra của 3 nhà máy xử lý rác Bình Hòa, Phú Tân và TP. Châu Đốc (công suất đốt 700 tấn/ngày) nhằm tăng cường lợi ích từ điện sinh khối của tỉnh.

Phát triển năng lượng tái tạo

Nhiều vùng ở An Giang rất thuận lợi phát triển năng lượng gió

HỮU HUYNH