Phát triển thương mại điện tử

24/11/2023 - 07:09

 - Thời gian qua, hoạt động thương mại điện tử, mua bán trực tuyến trên địa bàn An Giang phát triển đáng ghi nhận, đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng.

Hướng dẫn cơ sở kinh doanh, hộ mua bán sử dụng ứng dụng thanh toán điện tử

Tận dụng các nền tảng

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, từ khi triển khai Quyết định 645/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tình hình phát triển thương mại điện tử, hoạt động mua bán trực tuyến trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho DN, người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các tổ chức, cá nhân, DN trên địa bàn tỉnh quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu thông qua thương mại điện tử. Các nền tảng phục vụ cho thương mại điện tử được khai thác hiệu quả, giúp các DN tiếp cận phương thức phân phối mới trong thời đại công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tiết giảm chi phí (nhân lực, tài lực) so với phương thức kinh doanh truyền thống, có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường trong nước và hướng tới thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30% (thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng mạng xã hội để trao đổi, quảng bá hình ảnh, họp trực tuyến…); có 79 cơ quan, DN trên địa bàn tỉnh thực hiện thủ tục đăng ký sàn thương mại điện tử (sàn có tích hợp tính năng đặt hàng trực tuyến) hoặc thông báo trên trang thương mại điện tử (website có tính năng đặt hàng trực tuyến) với Bộ Công Thương theo đúng quy định. Đến nay, có 100% sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh được trưng bày hoặc bán trên các sàn thương mại điện tử của tỉnh, sàn trong và ngoài nước; 100% đơn vị cung cấp điện, nước triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 100% đơn vị viễn thông (VNPT An Giang, Viettel An Giang, Mobifone An Giang) chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh và bệnh viện ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Thay đổi nhận thức, thói quen

Để phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đưa vào giảng dạy học phần thương mại điện tử; 92% các cơ sở giáo dục và trường học ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Có trên 3.200 DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, cán bộ quản lý nhà nước, học sinh, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử kể từ khi ban hành và triển khai Quyết định 645/QĐ-TTg.

Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho trên 32.000 lượt học viên là đại diện DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, học sinh, sinh viên và đội ngũ thực thi pháp luật về thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và trang cá nhân, thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, quy trình đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, quy trình mở gian hàng...

Tổ công nghệ số cộng đồng tại 156 xã, phường, thị trấn, với 6.517 thành viên tham gia, là “cánh tay nối dài” của chính quyền, trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kỹ năng số, sử dụng ứng dụng số và thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần tăng tỷ lệ tham gia thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Từ đó, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Trên địa bàn tỉnh có 44,8% người dân được khảo sát vào năm 2021 có sử dụng Internet để mua sắm, tìm kiếm thông tin mua sắm. Đến nay, tỷ lệ dân số sử dụng Internet của tỉnh có tham gia mua sắm trực tuyến ước đạt 50%; số lượng người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác trên 1,69 triệu tài khoản (đạt 116%); có 143.622 ví điện tử được phát triển.

Đáng chú ý là sự phát triển vượt trội và tăng qua các năm của Internet Banking, Mobile Banking và các ví điện tử. Theo đó, doanh số chuyển tiền qua Internet Banking, Mobile Banking đạt 190.968 tỷ đồng chuyển tiền đi và chuyển tiền đến đạt 18.183 tỷ đồng; doanh số chuyển tiền đi bằng ví điện tử đạt 123 tỷ đồng, chuyển tiền đến 203 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã chấp nhận, thích ứng công nghệ số, góp phần thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt.

Các địa phương, đơn vị còn tổ chức thành công Ngày hội mua sắm không tiền mặt - vui hè cùng thiếu nhi, đại tiệc buffet thanh toán không dùng tiền mặt, Ngày hội mua sắm, thanh toán không dùng tiền mặt... Qua đó, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiêu biểu, tiềm năng thương mại của các địa phương đến với nhà phân phối, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần kích cầu và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, khuyến khích người tiêu dùng không dùng tiền mặt khi mua sắm, giao dịch.

“Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về đầu tư hạ tầng và công tác quản lý. Trong đó, chú trọng phát triển thương mại điện tử trên cơ sở sàn giao dịch điện tử, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại điện tử giữa thành thị và nông thôn. Tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng hiện đại” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin.

THU THẢO