Phiền toái với những tin nhắn đòi nợ gián tiếp

10/11/2022 - 06:49

 - Gọi điện, nhắn tin liên tục với những nội dung đe dọa, thường xuyên bị làm phiền vào giờ nghỉ trưa, nửa đêm... nhằm khủng bố tinh thần. Đó là cách các đối tượng đòi nợ đang sử dụng, không chỉ với những nạn nhân đang chịu những khoản nợ “bỗng dưng có” mà còn cả những người liên quan đến nạn nhân đó.

Những năm gần đây, dịch vụ cho vay tiêu dùng rộ lên, đã phát sinh nhiều hệ lụy, nhất là gây phiền toái cho người dân, kể cả khi họ không phải là người đi vay nhưng liên tục nhận tin nhắn đòi nợ, chặn số điện thoại này thì lại nhận tin nhắn từ số khác. Hiện nay, việc vay tiền qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh rất đơn giản và nhanh gọn. Chỉ cần cung cấp giấy tờ cá nhân, trong thời gian ngắn, người vay đã có thể nhận được tiền.

Một số nạn nhân từng vay tiền qua các ứng dụng trên điện thoại di động tiết lộ, bù lại cho sự “đơn giản” đó là khi thực hiện thủ tục, người vay sẽ cung cấp thông tin người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Thời gian sau khi vay, nếu họ không trả tiền đúng hạn, bên đòi nợ sẽ dùng dữ liệu danh bạ của bị hại cung cấp để nhắn tin, gọi điện đòi nợ. Tuy nhiên, ngoài khủng bố “con nợ” và người quen của họ, hiện nay, những người không vay tiền, không quen nạn nhân cũng nhận tin nhắn từ các số điện thoại lạ “nhắc nhở” ông/bà A, B, C… đã vay nợ nhưng không trả.

Nhiều trường hợp người dân dù không vay mượn, không bảo lãnh, thậm chí không hề quen biết người vay mượn tiền qua các ứng dụng (App) cho vay tiền nhưng lại bị các đối tượng “khủng bố” đòi nợ bằng điện thoại, tin nhắn và thậm chí bị bêu xấu trên các trang mạng xã hội.

“Bây giờ, tôi không dám nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ không có trong danh bạ, dù có thể đó là số của người quen, vì rất sợ bị làm phiền. Tôi nhận tin nhắn người nợ tên A. vay tiền, nhưng từ địa chỉ đến tên tuổi, nơi làm… đều không phải là người quen. Đồng nghiệp tôi cũng nhận được tin nhắn tương tự, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống” - chị T. (huyện Châu Thành) chia sẻ.

Những người nhận tin nhắn này cho rằng, các bên đòi nợ đang cố ý nêu tên, chứng minh nhân dân, số điện thoại để bêu xấu nạn nhân, bất chấp người nhận tin nhắn có quen biết “nạn nhân” hay không, mà nhiều nhất là đăng trên mạng xã hội.

Trong tháng 10/2022, chị G. (huyện Phú Tân) nhận nhiều tin nhắn liên tục, với nội dung: “Cảnh cáo đối tượng trốn nợ… số chứng minh nhân dân… không trả nợ vay. Nếu vẫn cố tình trốn tránh, bao che sẽ gửi thông báo nợ, hình ảnh đến chỗ làm, gia đình, bạn bè…”. Chị G. khẳng định: “Dòng họ 2 bên nội, ngoại không có ai họ Nguyễn, huống hồ là cái tên lạ lẫm như trong tin nhắn. Từ nhiều số điện thoại khác nhau, nội dung tin nhắn đó được sao chép và số khác lại gửi đến. Thật sự phiền phức!”.

Chị N.L. gần đây cũng nhận loạt tin nhắn cảnh báo về 1 người chị không hề quen biết, rằng đối tượng vay nợ quá hạn, sẽ bị khởi kiện… Chị L. cho biết, gia đình có người làm ở ngân hàng, bạn bè người thân đều biết rõ nhau, nếu quá khó khăn cũng không đến nỗi vay nóng hay vay tiền từ các App không uy tín để phải nhận “khủng bố” từ các số điện thoại lạ.

Một số trường hợp khác, tin nhắn “chất lượng” hơn, thông báo nạn nhân đã bị khởi kiện, vài ngày tới cán bộ pháp lý sẽ đến địa phương hoàn tất thủ tục. Cùng 1 nội dung tin nhắn, chỉ đổi tên, số điện thoại và gửi nhan nhản đến hàng loạt số điện thoại khác. Những người không liên quan gì đến các khoản nợ, là bạn bè, người thân… cũng không hiểu vì sao bị lộ thông tin cá nhân, bị những số điện thoại lạ gọi điện, nhắn tin với mục đích quấy rối, đe dọa…

Tình trạng nêu trên ngày càng phổ biến và được ngành chức năng khuyến cáo, hướng dẫn cách xử lý. Trước hết, người dân cần bình tĩnh, sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Trường hợp tình trạng bị làm phiền kéo dài, “khủng bố” điện thoại thường xuyên, người dân có thể đến trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân (giấy tờ tùy thân, gia đình, đồng nghiệp, nơi làm việc…) cho các đối tượng.

Người bị hại nên ghi âm các cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng; khi nhận cuộc gọi “khủng bố”, chỉ nên giải thích ngắn gọn về việc không quen biết với người vay khoản nợ trên. Đồng thời, thông báo cho bạn bè, người thân để họ nắm được thông tin, tránh bị kẻ xấu gọi điện, nhắn tin làm phiền. Với những người có nhu cầu vay tiền, người dân phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, đầy đủ thông tin. Đặc biệt, không nên vay tiền qua App không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền.

MỸ HẠNH