Phim Việt cần chiến lược bài bản để vươn ra châu Á

03/10/2019 - 09:12

Hàng loạt phim Việt được chọn trình chiếu tại 2 liên hoan phim (LHP) lớn nhất châu Á là LHP quốc tế Busan (BIFF 2019 - Hàn Quốc) và LHP quốc tế Tokyo (TIFF 2019 - Nhật Bản) vào tháng 10-2019, chứng tỏ nỗ lực vươn mình ra châu lục của điện ảnh Việt.

Sôi động từ Busan đến Tokyo

Tại BIFF 2019 (diễn ra từ ngày 3 đến 12-10), 6 phim Việt Nam và 3 dự án, tạo một dấu ấn khá rõ rệt tại LHP lớn nhất châu Á này.

Hai bộ phim Thưa mẹ con đi (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh), Anh trai yêu quái (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng) sẽ trình chiếu ở hạng mục A Window on Asian Cinema (Cửa sổ điện ảnh châu Á) trong khuôn khổ BIFF 2019. Nếu như Thưa mẹ con đi đã chiếu tại Việt Nam tháng 8-2019 và nay có buổi ra mắt quốc tế (international premiere) tại Busan thì phim Anh trai yêu quái công chiếu lần đầu trên toàn thế giới (world premiere), bởi đến 29-11 phim mới ra rạp trong nước. 

Hai phim Việt khác cùng mang chủ đề kinh dị là Bắc kim thang (đạo diễn Trần Hữu Tấn) và Bí mật của gió (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) cũng trình chiếu lần đầu tại Busan, dù chưa chiếu trong nước. Ngoài ra, có 2 phim ngắn của Việt Nam tham dự BIFF năm nay là Ngọt, mặn của nữ đạo diễn Dương Diệu Linh (tranh giải Phim ngắn châu Á) và Hãy thức tỉnh và sẵn sàng của đạo diễn Phạm Thiên Ân (trong khuôn khổ Giới thiệu phim ngắn).

Phim "Bí mật của gió" công chiếu tại LHP Busan 2019

Diễn ra sau BIFF 2 tuần, TIFF 2019 (từ 28-10 đến 5-11) có 2 đại diện phim Việt được chọn chiếu. Ở hạng mục Crosscut Asia (Lát cắt điện ảnh châu Á), người Nhật chọn phim Người bất tử của Victor Vũ để giới thiệu bên cạnh các bộ phim Đông Nam Á khác cùng chủ đề về huyền bí, viễn tưởng, tâm linh, siêu nhiên… Người bất tử xoay quanh câu chuyện về Hùng, người đàn ông đã sống qua 3 thế kỷ với cuộc đời thăng trầm nhiều thù hận và tham vọng “trường sinh”. Bộ phim đã ra rạp tại Việt Nam từ tháng 10-2018.

Ở tiêu điểm Điện ảnh thế giới (World Focus), tập phim Chàng dâng cá, nàng ăn hoa! (tựa tiếng Anh: He serves fish, she eats flowers), đạo diễn Phan Đăng Di nằm trong series phim Food Lore (Truyền thuyết ẩm thực) do kênh HBO Asia sản xuất trong năm 2019, sẽ được công chiếu chung với một tập phim nằm trong serie Food Lore khác là Island of Dreams (Hòn đảo mộng mơ) của đạo diễn Erik Matti (Philippines).

Chàng dâng cá, nàng ăn hoa! chỉ có thời lượng 52 phút, thông qua câu chuyện tình cảm giữa nhân vật Thăng (Lãnh Thanh đóng), một đầu bếp trẻ nấu món tào phớ để chinh phục cô tiếp viên hàng không xinh đẹp Vân (Ngọc Anh đóng), phản ánh tinh hoa ẩm thực địa phương.

LHP đóng một vai trò quan trọng

Những năm gần đây, việc tham dự các LHP châu Á và quốc tế ngày càng được các nhà làm phim, hãng sản xuất phim Việt Nam xem trọng. Các LHP đóng một vai trò quan trọng đối với những người làm phim. Việc xuất hiện ở các LHP lớn tầm cỡ Busan, Tokyo hay xa hơn là Venice, Toronto, Cannes… trong vai trò được công chiếu hoặc lọt vào danh sách phim tranh các hạng mục giải thưởng sẽ giúp bộ phim gây chú ý trên phương tiện truyền thông, thu hút khán giả. 

Nếu có chất lượng cao và may mắn đoạt giải thưởng (dù to hay nhỏ) tại LHP, tác phẩm sẽ giúp phát triển tên tuổi đạo diễn và tăng cơ hội đạt doanh thu tiền vé cao khi công chiếu rộng rãi. Các LHP mang đến cơ hội cho nhà đầu tư bán phim cho thị trường nước ngoài, công ty phát hành phim đa quốc gia… Thực tế, nhiều phim Việt đã thu về những doanh số đáng kể khi chào bán thành công ra thị trường quốc tế (gần nhất có phim Hai Phượng của Ngô Thanh Vân). 

Các LHP cũng là nơi chốn lý tưởng để nhà sản xuất, nhà làm phim (đạo diễn, diễn viên…) gặp gỡ các đối tác quốc tế, kiến tạo những mối quan hệ. Tại BIFF 2019, nhà sản xuất phim Bí mật của gió - dự án đầu tiên của Công ty BHD và CJ HK Entertainment hợp tác sản xuất - không giấu tham vọng phát hành phim này tại thị trường quốc tế.

Nhiều lợi ích như vậy nên việc các phim Việt Nam ngày càng tích cực tham gia các LHP quốc tế là điều đáng mừng. Đã đến lúc, điện ảnh Việt cần một chiến lược bài bản về vấn đề này để phát huy hiệu quả tối đa.

Trong đó, việc đầu tiên là đảm bảo các quy định chung. Kế đến, các nhà sản xuất phim ngay trong thời kỳ tiền sản xuất (Pre-production) đã có thể định hướng đến việc chào dự án tại các LHP, tính toán việc sớm gửi phim tranh giải hay công chiếu phim ở LHP nào để có thể gây tiếng vang. 

Về nội dung, việc làm phim với tư duy sáng tạo nghệ thuật cao, khai thác đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đặc biệt từ vùng miền, địa phương... thường dễ “lọt mắt xanh” các nhà tuyển chọn ở các LHP quốc tế hơn cả.

Theo TRUNG NGHĨA (Sài Gòn Giải Phóng)