Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với bão tại các địa phương
Cùng dự trực tuyến với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại điểm cầu chính Bộ NN-PTNT có Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đại diện các bộ, ngành, cục, vụ liên quan.
Bão số 3 được xem là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây.
Vào chiều 05-9, tâm bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 450km về phía Đông với cường độ cấp 16, giật cấp 17 (tăng 08 cấp so với thời điểm vào biển Đông).
Trong 24 giờ tới, vùng biển khu vực bắc Biển Đông có sóng biển cao 7-9 m, vùng gần tâm bão 10-12 m. Biển động dữ dội.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ tối và đêm 6-9, bão có thể vào Vịnh Bắc Bộ, kèm theo mưa, gió tăng rõ rệt. Vào chiều và đêm 7-8/9, sẽ có mưa to.
Dự báo đến chiều 8-9, gió ven biển giảm, mưa tập trung ở Tây Bắc bộ.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão khi đổ bộ có thể mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 17. Bão hiện di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, với tốc độ khoảng 10-15 km/h.
Trong 24 giờ qua, bão số 3 liên tục tăng cấp. Nguyên nhân bởi điều kiện môi trường ở khu vực Bắc Biển Đông đang thuận lợi cho quá trình phát triển bão, với nền nhiệt cao 31 độ C duy trì nhiều ngày.
Bên cạnh đó, khu vực này trong thời gian dài chưa xuất hiện bão nên năng lượng tích tụ, độ ẩm, hoàn lưu khí quyển và khí áp dòng dẫn liên tục tăng cấp.
Thời tiết oi nóng ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ không phải là điều kiện thuận lợi cho phát triển bão nhưng lại gây nguy cơ dông lốc trước bão.
Dự báo, chiều 6-9, khi bão cách đất liền 400-500km, Bắc bộ và Thủ đô Hà Nội sẽ có mưa dông kèm lốc sét.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về công tác triển khai phòng, chống bão.
Theo đó, tại tỉnh Ninh Bình, từ 13h chiều ngày 5-9, tỉnh này đã thực hiện cấm biển để ứng phó với cơn bão số 3.
UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các địa phương, không để người dân ở lại trên các chòi canh; sơ tán nhân dân khỏi các khu vực xung yếu, trũng thấp, không đảm bảo an toàn.
Tỉnh Quảng Ninh đang quản lý chặt chẽ tàu thuyền. Hiện chỉ còn 154 du khách trên các đảo. Chính quyền địa phương phối hợp với các khách sạn, khu nghỉ dưỡng...hướng dẫn khách vào bờ hoặc đảm bảo chu đáo nếu khách có nhu cầu ở lại.
Tại thành phố Hải Phòng, sáng 5-9, thành phố đã thành lập 6 đoàn kiểm tra đi kiểm tra công tác phòng chống bão trên địa bàn; Hướng dẫn các chủ phương tiện đánh bắt xa bờ di chuyển vào bờ.
Đến 12h trưa 5-9, đảo Cát Hải có 2.077 khách; Đã được thông tin và đang di chuyển vào đất liền.
Đúng 12h trưa 6-9, Hải Phòng sẽ tổ chức cấm biển.
Tại các địa phương khác như Bình Định, Quảng Ngãi, Nam Định, Hà Nội, Hà Giang... cũng đang khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3. Các địa phương có biển, hướng dẫn tàu thuyền, du khách vào nơi an toàn; gia cố đê điều, nhà cửa; sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm...
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan đánh giá cao tinh thần chủ động triển khai ứng phó bão của các tỉnh, thành phố. Cần huy động mọi lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, công tác dự báo chính xác là rất quan trọng. Khi đưa ra thông tin cảnh báo, bên cạnh cấp độ bão, chỉ số nguy hiểm, các cơ quan dự báo cần tăng cường nhiệm vụ, cường độ và cần đưa thông tin chính xác hơn, ngôn ngữ dự báo gần gũi với người dân hơn.
Duy trì thông tin thường xuyên, trao đổi với các nước về tình hình bão. Công khai thông tin càng sớm càng tốt để người dân và các cơ quan ban ngành các địa phương có biện pháp phòng tránh.
Phó Thủ tướng yêu cầu, thực hiện Công điện chỉ đạo ứng phó với bão của Thủ tướng Chính phủ, mỗi lực lượng, mỗi tổ chức, mỗi cấp lãnh đạo hãy làm tốt nhiệm vụ của mình, theo phương châm tại chỗ; Công tác kiểm tra giám sát phải chặt chẽ, thường xuyên để hạn chế thấp nhất thiệt hại về thiên tai.
Theo V.H (An Ninh Thủ Đô)