Phòng bệnh sốt xuất huyết mùa mưa

10/09/2024 - 02:43

 - Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi, lăng quăng phát triển, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH). Để hạn chế số ca mắc và không xảy ra dịch lớn, huyện Thoại Sơn tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống từ đầu mùa mưa.

Mới đây, Trạm Y tế xã Vĩnh Khánh phối hợp ban, ngành, đoàn thể xã ra quân thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn ấp Vĩnh Lợi, Vĩnh Hiệp. Yêu cầu của chiến dịch lần này là giảm mật độ lăng quăng đến mức thấp nhất, bằng các biện pháp, như: Loại bỏ vật chứa nước có lăng quăng, thả cá, thu gom vật phế thải chứa nước quanh nhà; đảm bảo 100% dụng cụ chứa nước, vật phế thải được kiểm tra, xử lý theo quy trình kỹ thuật.

Trong đợt ra quân này, các lực lượng tham gia đến từng hộ gia đình, phát tờ bướm, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, cọ rửa lu khạp, diệt lăng quăng, ngăn chặn sự sinh sản của muỗi vằn. Hiểu được nguy hiểm của bệnh SXH, bà Trần Thị Đào (ngụ xã Định Mỹ) thường xuyên súc rửa, đậy kín các lu chứa nước xung quanh nhà, sử dụng nhang muỗi cả ngày và đêm, cho các cháu mặc quần áo dài tay, dọn dẹp thông thoáng, không để muỗi có nơi sinh sản.

Diệt lăng quăng là một trong những biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

Không ít người dân vẫn còn thói quen trữ nước mưa, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH. Chị Lê Thị Bích Phượng (ngụ ấp Bắc Thạnh, xã Thoại Giang) chia sẻ: "Lúc ở nhà, con tôi sốt cao liên tục, uống thuốc không hạ, kèm tiêu chảy. Lo sợ, tôi đưa bé đến Trung tâm Y tế huyện khám thì phát hiện bị bệnh SXH, phải ở lại điều trị nội trú. Hiện, sức khỏe bé đã tốt. Nhà ở trong đồng, vào mùa mưa rất nhiều muỗi. Vì vậy, chiều xuống là tôi đóng hết các cửa, giăng mùng, đốt nhang muỗi để phòng SXH, nhưng vẫn không tránh khỏi...".

BS. CKII Nguyễn Thị Sương (Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn) cho biết: "Hiện nay, bệnh SXH không chỉ xuất hiện ở trẻ em, mà bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh. Mùa mưa làm nguy cơ bùng phát SXH nhiều hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 87 trường hợp mắc SXH, tập trung nhiều ở thị trấn Óc Eo (27 ca), xã Thoại Giang (14 ca), thị trấn Núi Sập (9 ca), xã Định Thành (8 ca), thị trấn Phú Hòa (6 ca)".

Nhằm chủ động phòng, chống SXH, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch trong mùa mưa, Trung tâm Y tế huyện tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch chủ động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng bệnh tại xã, thị trấn có số ca mắc cao và một số xã lân cận, nhằm triệt tiêu lăng quăng, diệt muỗi.

Cụ thể, trong chiến dịch, trạm y tế tham mưu UBND xã, thị trấn huy động lực lượng tích cực tham gia. Khi đến hộ gia đình, cán bộ y tế phụ trách tuyên truyền, vận động bà con tự giác kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước xung quanh nhà ít nhất 2 lần/tuần, loại bỏ lốp xe, vỏ dừa, tô chén vỡ; bỏ muối vào chân tủ chén, lọ hoa; cho trẻ mặc áo tay dài, sử dụng nhang xua muỗi, vợt muỗi… đặc biệt là sáng sớm và chập choạng tối.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Sương, khi người thân có triệu chứng sốt cao đột ngột, liên tục, khó hạ sốt với các loại thuốc hạ sốt thông thường, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị bệnh SXH kịp thời. Bên cạnh đó, tất cả ca bệnh tản phát sẽ được trạm y tế tổ chức vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi.

"Với tinh thần chủ động, quyết tâm phòng, chống dịch bệnh, mặc dù số ca mắc SXH tăng vào các tháng mùa mưa, nhưng đã giảm đáng kể (gần 50%) so cùng kỳ năm 2023. Đạt được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo sâu sát, hỗ trợ kinh phí của UBND huyện, sự vào cuộc đồng bộ của ban, ngành, các xã, thị trấn, sự tham mưu tích cực của cán bộ y tế tuyến huyện, xã.

Trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị huyện Thoại Sơn chung tay phòng, chống dịch bệnh, xử lý triệt để ca bệnh tản phát, ổ dịch, vệ sinh môi trường chủ động, phun hóa chất diện rộng khu vực nguy cơ cao, hạn chế đến mức thấp nhất tình hình bùng phát dịch bệnh SXH" - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn Nguyễn Thị Sương nhấn mạnh.

PHƯƠNG LAN