Phòng, chống bệnh dại

01/11/2021 - 17:23

 - Đời sống người dân ngày càng phát triển nên nhu cầu nuôi thú cưng, như: chó, mèo ngày càng tăng. Để việc nuôi chó, mèo không gây hiểm họa cho người, ngoài chấp hành Pháp lệnh thú y về tiêm phòng cho vật nuôi, chủ nuôi phải thực hiện các biện pháp giám sát, quản lý, như: làm chuồng nhốt chắc chắn, rọ mõm, không thả rông để phòng chó cắn người.

Nguy hiểm

Trước tình hình nắng nóng thất thường, bệnh dại chó rất dễ xảy ra nêu không tiêm phòng theo đúng quy định. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo; người nuôi chó, mèo không chấp hành việc nuôi nhốt, thả rông thì dễ dẫn đến cắn người trọng thương, cắn chết người. Sẽ rất nguy hiểm đối với trẻ em khi các cháu không nói với cha mẹ khi bị chó, mèo cắn, không đi tiêm phòng dại, phơi nhiễm, dẫn đến tử vong.

Điển hình, vào tháng 3-2020, chị Nguyễn Thị Xinh (xã Khánh An, huyện An Phú) có xin 1 con chó khoảng 3 tháng tuổi, chưa tiêm phòng bệnh dại từ tỉnh Kandal (Campuchia) về nhà nuôi. Sau đó, chó cắn con chị Xinh và 6 người nhà trong gia đình nhưng không ai đi tiêm phòng bệnh dại. Tiếp đó, con chó này tiếp tục cắn thêm 1 người nhưng người này đã tiêm phòng thì dại đầy đủ. Đến tháng 4-2020, anh Tam (chồng chị Xinh) và cháu Trâm (cháu chị Xinh) có biểu hiện sợ nước, nhận thức kém, mơ hồ; gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc để điều trị và được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh điều trị. Tuy nhiên, đến ngày 10-4-2020, cháu Trâm tử vong tại bệnh viện, anh Tam tiếp tục điều trị đến ngày 13-4-2020 thì tử vong tại nhà.

Đầu năm 2021, tại xã Lương Phi (huyện Tri Tôn), cô Trần Thị Phượng (công nhân ở tỉnh Bình Dương) về thăm ông Ngô Văn Phú và có mang theo 1 con chó khoảng 3-4 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 3-4kg, chưa được tiêm phòng vaccine bệnh dại. Tháng 2-2021, chó có những biểu hiện bất thường, như: hung hăng, chảy nước dãi và đã cắn vào cánh tay của ông Phú. Cùng ngày, cô Phượng mang con chó về tỉnh Bình Dương và chó chết sau đó 5 ngày. Sau khi bị chó cắn, ông Phú không đến Trung tâm Y tế huyện Tri Tôn để tiêm phòng bệnh dại, chỉ điều trị bằng thuốc đông y. Đến tháng 5-2021, ông Phú có biểu hiện nóng sốt, khó thở, nên người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tri Tôn để điều trị được 2 ngày và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang điều trị. Tuy nhiên, đến ngày 10-5-2021, ông Phú tử vong tại bệnh viện và được chẩn đoán bị bệnh dại.

Tăng cường biện pháp phòng dại

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn chó toàn tỉnh hiện có 36.363 con/26.326 hộ, hộ nuôi chủ yếu 1-2 con. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại chỉ 82% so với tổng đàn. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang Trần Tiến Hiệp cho biết: “Trước tình hình đó, chi cục đã phối hợp với UBND huyện triển khai các hoạt động kịp thời ngăn chặn dịch bệnh. Thông tin, tuyên truyền cho người dân hiểu biết hơn sự nguy hiểm của bệnh dại, vận động người dân tích cực hưởng ứng tiêm phòng bệnh dại. Chỉ đạo nhân viên chăn nuôi và thú y rà soát lại đàn chó, tiến hành tiêm phòng bổ sung và tiêm phòng nhắc lại cho đàn chó trên địa bàn, đảm bảo tiêm phòng đạt tỷ lệ 100%. Đồng thời, rà soát thống kê đàn chó nuôi trên toàn tỉnh để tiêm phòng bổ sung”.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông qua các biện pháp thông tin, tuyên truyền, người dân ngày càng hiểu rõ hơn tính chất nguy hiểm khi chó nuôi không được tiêm vaccine ngừa dại, cũng như không thực hiện tiêm phòng dại khi người bị chó cắn. Cùng với việc tăng mức phạt xử lý vi phạm hành chính khi chủ vật nuôi không chấp hành quản lý chó nuôi (Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ) nên người dân chấp hành tốt các quy định về nuôi chó, góp phần hỗ trợ công tác quản lý và phòng, chống bệnh dại tại địa phương.

Tuy nhiên, tại các khu vực nông thôn, tập quán nuôi chó thả rông còn phổ biến nên việc bắt giữ chó để tiêm phòng gặp không ít khó khăn. Việc quản lý đàn chó nuôi gặp khó khăn, tốn thời gian công sức do người dân chưa hình thành thói quen nuôi chó, mèo phải đăng ký khai báo với chính quyền địa phương. Chưa thực hiện được việc kiểm soát, vận chuyển chó, mèo nuôi đi đến địa phương.

Để khống chế bệnh dại, tỉnh đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi; phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại. Tăng cường quản lý số hộ nuôi chó, mèo, tăng tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo... Mặt khác, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, rất cần người dân nâng cao ý thức, thấy được mức độ nguy hiểm khi để chó, mèo nuôi thả rông, không được tiêm phòng và nguy cơ lây lan bệnh dại; thực hiện đăng ký nuôi nhốt, xích đeo rọ mõm, có người dắt khi ra nơi công cộng; tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo là giải pháp tốt nhất trong phòng, chống bệnh dại.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Khi người bệnh lên cơn dại đều dẫn tới tử vong. Hiện tại, không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vaccine phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.

HẠNH CHÂU