Năm 2024, toàn quốc xảy ra 4.112 vụ cháy, làm chết 100 người, bị thương 89 người, thiệt hại tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 657 tỷ đồng và 637ha rừng. Trong đó, có 48 vụ cháy lớn, 51 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người (làm 99 người chết, 89 người bị thương); xảy ra 22 vụ nổ, làm chết 9 người, bị thương 26 người. Tại An Giang, toàn tỉnh xảy ra 39 vụ cháy (trong đó có 20 vụ cháy rừng, tăng 17 vụ so cùng kỳ 2023), làm cháy 34 căn nhà, 1 siêu thị, 306 kios chợ, hơn 61ha thảm thực vật rừng, cây tạp, làm chết 1 người… Tổng thiệt hại tài sản gần 20 tỷ đồng. Điển hình là hàng loạt vụ cháy rừng ở huyện Tri Tôn, kéo dài nhiều ngày liên tiếp trong tháng 4 - 5/2024.
Ngoài vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, hàng năm, lực lượng vũ trang (địa phương và đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh) xây dựng kế hoạch, tổ chức hiệp đồng phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập. Gần 2.000 lượt bộ đội, dân quân kịp thời cơ động, ứng cứu, giúp dân khắc phục hậu quả, giảm thiệt hại về tài sản. “Qua theo dõi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập năm qua của các đơn vị quân đội, địa phương, ban, ngành, một số hạn chế đã bộc lộ. Thứ nhất, vẫn còn cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên kiểm tra phương tiện, trang bị, vật chất; ít tổ chức luyện tập kế hoạch, phương án phòng, chống cháy nổ. Vì vậy, khi có tình huống xảy ra, cán bộ, chiến sĩ lúng túng trong triển khai nhiệm vụ. Thứ hai, phương tiện, trang bị, vật chất vừa cũ vừa thiếu, chưa được mua sắm bổ sung đáp ứng yêu cầu. Thứ ba, công tác phối hợp giữa các lực lượng về kiểm tra, tuần tra, thông tin, tuyên truyền có lúc chưa thường xuyên” - thượng tá Phạm Tấn Sơn, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nhận xét.
![Phòng, chống cháy nổ năm 2025](https://images.baoangiang.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250212/images/t5.jpg)
Năm 2025, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết cả nước tiếp tục nắng nóng ở mức nhiệt cao, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, cháy rừng cao. Việc người dân lên núi làm rẫy, bắt ong…; bất cẩn trong sử dụng lửa; khu đô thị, khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp bất cẩn trong sử dụng điện… là nguyên nhân hàng đầu “mời bà hỏa ghé thăm”. Tại Hội nghị hiệp đồng phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập diễn ra vào tháng 1/2025, Ban Chỉ đạo về thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng các cấp; đơn vị thuộc Quân khu 9, Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng đóng góp hoàn chỉnh kế hoạch hiệp đồng, bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, tập trung về: Lực lượng, phương tiện; dự kiến khu vực trọng điểm xảy ra cháy nổ, cháy rừng; thực trạng trang bị bảo đảm cho nhiệm vụ; khó khăn, vướng mắc trong công tác hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ thời gian qua…
Theo đó, các đơn vị cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng và Nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập; bảo vệ an toàn cơ quan, đơn vị và tính mạng, tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Thường xuyên tổ chức luyện tập theo kế hoạch, phương án, bảo đảm lực lượng, phương tiện, trang bị, vật chất, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Quá trình xử lý, cần quán triệt, vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ”, chú trọng không để thiệt hại về người do lỗi chủ quan, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Ban chỉ đạo diễn tập địa phương lần lượt tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự phòng, chống cháy nổ năm 2024, bao gồm: Chuyển địa phương, lực lượng công an, quân sự và các ban, ngành, đoàn thể cấp xã vào tình huống thiên tai, hỏa hoạn; chuẩn bị phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống cháy nổ; thực hành xử trí tình huống cháy nổ….
Tại Công văn 1368/UBND-KTN, UBND tỉnh hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất - kinh doanh. UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp Công an tỉnh rà soát yêu cầu về PCCC đối với loại hình nhà ở hiện hữu không thể đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn thì thực hiện giải pháp tăng cường trong tháng 3 - 4/2025. Sau thời gian nêu trên, nếu không tổ chức thực hiện phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong.
Ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua Luật PCCC và cứu nạn cứu hộ, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Trong đó, quy định rõ một số nguyên tắc, như: Chủ động phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính; kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót về PCCC và có biện pháp khắc phục; xác định phòng cháy, phòng ngừa tai nạn, sự cố là nhiệm vụ thường xuyên. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện cần thiết để kịp thời chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Thống nhất chỉ huy, điều hành, phát huy vai trò của lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ khi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố; ưu tiên cứu người, cứu tài sản; mọi nguồn nước, chất chữa cháy phải được ưu tiên sử dụng cho chữa cháy; ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại. Đặc biệt, mọi hành vi vi phạm pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ phải bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Mỗi người hãy tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về PCCC; quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và chất dễ cháy khác mọi lúc, mọi nơi, biết cách xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra… góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho chính mình và toàn xã hội.
GIA KHÁNH