Phòng, chống dịch bệnh tại Long Xuyên

12/11/2019 - 08:21

 - TP. Long Xuyên vừa hoàn thành “Tháng cao điểm về phòng, chống dịch bệnh” (từ ngày 23-9 đến 23-10) tại các phường, xã có số cas mắc sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM) cao và có nguy cơ bùng phát dịch.

Theo Phòng Y tế TP. Long Xuyên, trong tháng cao điểm, tại cộng đồng, các địa phương xây dựng chuyên mục tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tuyên truyền cho bệnh nhân khi đến khám bệnh tại các cơ sở y tế. Các phường, xã và trạm y tế tổ chức treo băng-rôn; khóm, ấp thực hiện vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và truyền thông lưu động trước, trong và sau khi thực hiện vệ sinh; tuyên truyền vãng gia 2 đợt, phát 11.863 tờ rơi về bệnh SXH và TCM đến từng hộ gia đình... Tại trường học, trạm y tế phối hợp các trường trên địa bàn sinh hoạt dưới cờ về phòng, chống SXH, TCM, giáo viên lồng ghép vào đầu buổi sinh hoạt lớp. Mỗi điểm trường đều có bảng thông tin truyền thông về bệnh SXH, TCM; khu vực rửa tay cho học sinh đảm bảo có đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay; 30.150 tờ rơi về phòng, chống bệnh được cấp phát cho học sinh các cấp, từ mầm non, mẫu giáo và tiểu học.

Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh

Việc vệ sinh môi trường diệt lăng quăng được thực hiện tại 9 phường, xã (Mỹ Hòa, Mỹ Phước, Mỹ Quý, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh, Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Khánh và Mỹ Hòa Hưng). Mỗi nơi thực hiện từ 2-3 khóm, ấp có nguy cơ bùng phát dịch. Riêng xã Mỹ Hòa Hưng thực hiện tại 4 ấp; phường Mỹ Phước thực hiện tại 3 khóm. Tất cả các khóm, ấp được thực hiện vãng gia 2 lần, cách nhau 7- 10 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Kết quả thực hiện và giám sát được đánh giá sau khi kết thúc đều đạt chỉ số BI ≤ 20 cho phép. Trung tâm Y tế kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành giám sát ngẫu nhiên đánh giá lại sau khi kết thúc chiến dịch, kết quả đạt 100%. Đồng thời, vệ sinh môi trường kết hợp phun hóa chất diện rộng tại 11 khóm, ấp/5 phường, xã, 8.888 hộ và 35.552 người được bảo vệ, 22 điểm trường nhà trẻ, mầm non, mẫu giáo, tiểu học và THCS thuộc 5 phường, xã có nguy cơ bùng phát dịch; các hộ gia đình xung quanh các điểm trường cũng được khoanh vùng bán kính.

Từ các hoạt động xử lý ổ dịch SXH, TCM và xử lý cas tản phát, đến ngày 27-10, toàn thành phố có 64 cas mắc SXH, giảm 47 cas so tháng 9; xử lý 13 ổ dịch SXH (giảm 46% ổ dịch so với thời điểm số cas mắc cao); chủ động xử lý 12 cas tản phát tại 9/13 phường, xã. Theo ghi nhận, nhiều phường, xã thực hiện Tháng cao điểm có cas mắc bệnh giảm so với tháng trước, như: Mỹ Thạnh (giảm 67%), Mỹ Quý (giảm 62%), Bình Đức (giảm 57%), Mỹ Khánh (giảm 50%), Mỹ Thới (giảm 50%), Bình Khánh (giảm 46%), Mỹ Hòa Hưng (giảm 42%), Mỹ Phước (giảm 17%).

“Chu kỳ dịch và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết cực đoan đã làm cho tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó dự báo. Trong khi đó, nhận thức của người dân trong cộng đồng chưa được nâng cao đồng đều, nên họ chưa thật sự tự giác phòng, chống dịch bệnh, thậm chí thờ ơ trong công tác vệ sinh môi trường nơi ở và cộng đồng, còn trông chờ vào chính quyền địa phương và ngành y tế làm thay. Sự chủ quan của người dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh đã “tiếp tay” cho mầm bệnh vẫn còn nơi sinh sống và phát triển gây bệnh quanh năm”- BS CKII Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Y tế TP. Long Xuyên thông tin. Điển hình, đến hết tháng 8 vừa qua, ngành chức năng tổ chức hơn 200 lần vãng gia, nhưng ghi nhận 16.362 hộ gia đình có lăng quăng (chiếm 80% hộ gia đình được vãng gia) chưa chủ động quan sát, loại bỏ dụng cụ chứa nước có lăng quăng.

Thời gian tới, ngành y tế TP. Long Xuyên sẽ tiếp tục thực hiện mô hình giám sát, tác động chuyển đổi hành vi của hộ gia đình, thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; ttổ xung kích thực hiện vệ sinh môi trường diệt lăng quăng hàng tuần tại những khu vực có nguy cơ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hóa nội dung và hình thức, lẫn chiều rộng và chiều sâu đến mỗi người dân để họ tự nhận thức, chủ động vệ sinh môi trường nơi ở và xung quanh mà không trông chờ vào chính quyền địa phương và ngành y tế làm thay.

“Thiết nghĩ, việc phòng, chống dịch bệnh rất cần các cấp, ngành chung tay vào cuộc. Cụ thể như, mỗi ban, ngành, đoàn thể cần xây dựng mô hình riêng, cách làm hiệu quả, thường xuyên vận động hội viên, người dân phòng, chống dịch bệnh, nhất là ở những vị trí giáp ranh 2 nhà - nơi thường bị bỏ quên. Ở trường, học sinh được nhắc nhở chung tay cùng phụ huynh dọn dẹp nhà cửa, diệt lăng quăng… trong các buổi sinh hoạt đầu giờ. Có như thế, công tác phòng, chống dịch bệnh mới đạt được yêu cầu đề ra” - BS CKII Nguyễn Văn Sử chia sẻ.

TP. Long Xuyên được ghi nhận có số cas mắc SXH cao thứ 2 trong tỉnh (568 cas, tăng 163 cas so cùng kỳ năm 2018) trong 9 tháng của năm 2019; 88 ổ dịch SXH xuất hiện tại 61/96 khóm, ấp. Về bệnh TCM, toàn thành phố có 119 cas mắc bệnh, tăng 11 cas so cùng kỳ. Nguyên nhân do mật độ dân số của địa phương đông (242 người/m2); nhà trọ đông, nhưng ít được quan tâm vệ sinh, dọn dẹp; người dân các nơi tập trung về, trong người có mang theo mầm bệnh…

 

Bài, ảnh: GIA KHÁNH