Phòng, chống dịch từ gia súc, gia cầm lây sang người

28/04/2024 - 20:07

 - Hiện nay, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, nắng nóng, đô thị hóa và di dân gia tăng là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân và gia súc, gia cầm. Đặc biệt, vừa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H9 đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang. Tỉnh An Giang đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm.

Người chăn nuôi gia súc, gia cầm tuyệt đối tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường quy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch trên người và bệnh từ gia súc, gia cầm lây sang người. Cụ thể, yêu cầu chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức chính trị, chính trị - xã hội quán triệt, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt văn bản chỉ đạo liên quan. Phối hợp ngành y tế tăng cường phát hiện, xử lý ổ dịch bệnh truyền nhiễm kịp thời, hiệu quả, nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng. Vận động cộng đồng vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà bông, thực hiện ăn sạch, ở sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, sự gia tăng trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, viêm phổi nặng do virus; chuẩn bị sẵn sàng phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra.

Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh trên người, nhất là tại khu, điểm du lịch, cơ sở giáo dục, trường học... Tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, đốc thúc phòng, chống dịch; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm.

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Ngành y tế thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới, trong nước và trên địa bàn, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý kịp thời, không để dịch bùng phát, lan rộng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và trung tâm y tế huyện theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sàng lọc trong cộng đồng, hạn chế trường hợp bệnh nặng, tử vong, đặc biệt là đậu mùa khỉ. Phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới, tác nhân gây bệnh, nhất là tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành tại các cửa khẩu, phát hiện sớm ca bệnh, trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu".

Cùng với đó, ngành y tế đẩy mạnh tiêm chủng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng. Cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị người bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất ca tử vong do bệnh dịch. Đồng thời, đảm bảo kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực... chuẩn bị phương án ứng phó với tình huống của dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”.

Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ hoạt động phòng, chống bệnh tại cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại nhà trẻ, trường mẫu giáo. Phát hiện, cách ly sớm ca bệnh, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường; hướng dẫn học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước sạch; phối hợp quản lý tốt sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Y tế triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người, chia sẻ thông tin tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm khi có bệnh chết. Đồng thời giám sát, điều tra dịch tễ kịp thời, nhằm phát hiện sớm ổ dịch, để xử lý triệt để.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng vừa ký ban hành công văn chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo ngành y tế, đơn vị liên quan, địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh trên người. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vaccine cho gia súc, gia cầm; không buôn bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.

Ngành y tế khuyến cáo người dân làm tốt công tác vệ sinh, chăm sóc, khuyến khích áp dụng mở rộng hình thức chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng, mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, đơn vị thú y. Khi có biểu hiện giống cúm (sốt, ho, đau ngực, khó thở), phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

HẠNH CHÂU