Diễn biến phức tạp
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, cực đoan với cường độ mạnh, nhất là mưa bão, lũ lụt rất phức tạp, khó đoán định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
An Giang là tỉnh vừa có sông, có núi, thường xảy ra lũ lụt, sạt lở đất vào mùa mưa, gây thiệt hại về người và tài sản. Do đó, việc chủ động phòng ngừa, hành động “sớm hơn một bước, nhanh hơn một bước” sẽ góp phần đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai gây ra.
Thời gian qua, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ huy) có nhiều văn bản chỉ đạo thành viên Ban Chỉ huy, UBND cấp huyện tăng cường đảm bảo an toàn về người, tài sản trong hoạt động giao thông thủy; ứng phó mưa, giông, lốc, sét trên địa bàn. Theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống thiên tai từ sớm, từ xa và chủ động khắc phục ngay khi xảy ra.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn ra ngày càng phức tạp, bất thường. Sau các đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán kéo dài vào đầu năm, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra mưa lớn, sạt lở đất cục bộ tại một số địa phương. Thiên tai gây ảnh hưởng tài sản của Nhân dân, công trình cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất - kinh doanh.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy tỉnh, tính đến ngày 31/7/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra vụ cây ngã đè chết 1 người (huyện Chợ Mới), 3 người bị thương nhẹ (TX. Tân Châu); xảy ra 35 vụ mưa giông làm thiệt hại 282 căn nhà sập, tốc mái, ước thiệt hại trên 5,2 tỷ đồng; sạt lở đất bờ sông, kênh rạch 26 vụ, chiều dài 887m, 16 căn nhà cần di dời khẩn cấp, ước thiệt hại về đất khoảng 593 triệu đồng.
“Phòng từ sớm, tránh từ xa”
Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina tác động đến nước ta từ tháng 8/2024, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy vừa yêu cầu Ban Chỉ huy cấp tỉnh, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao, tiếp tục chủ động chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai; triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm công tác theo dõi, dự báo, cảnh báo sạt lở, tình hình khí tượng, thủy văn trong thời gian qua; tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai sạt lở, mưa, giông, lốc, sét, mưa lớn, đặc biệt là lũ năm 2024…
Đồng thời, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo và thông tin kịp thời về thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan cho cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết, để chủ động trong chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó thiên tai.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, với trách nhiệm là Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy, đơn vị chỉ đạo Chi cục Thủy lợi (Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy) tổ chức trực ban 24/7 theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, tham mưu cho Trưởng ban Chỉ huy chỉ đạo, đôn đốc thành viên Ban Chỉ huy, UBND cấp huyện kịp thời triển khai công tác theo thẩm quyền.
Bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và công trình thủy lợi, nhất là các trọng điểm đê điều xung yếu, hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, công trình đê kè đang thi công dở dang; bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo vận hành an toàn hồ thủy lợi.
Sở Công Thương An Giang chủ trì, phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho sản xuất công nghiệp, hệ thống điện; kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân, nhất là trong mùa mưa lũ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang chỉ đạo ban chỉ huy quân sự cấp huyện, lực lượng đóng trên địa bàn rà soát, xây dựng phương án, chủ động huy động lực lượng, phương tiện để phối hợp ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả thiên tai theo quy định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, địa phương sẽ chủ động triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn quản lý theo phương châm “4 tại chỗ”, tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước trong mùa mưa bão.
Đồng thời, khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai theo từng cấp độ rủi ro thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xảy ra tại địa phương. Chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, việc chủ động các bước “phòng từ sớm, tránh từ xa” là biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra, góp phần bảo vệ tài sản, tính mạng của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
THU THẢO