Phòng ngừa, đấu tranh “tín dụng đen”

26/05/2022 - 05:57

 - 3 năm qua, tỉnh phát hiện, xử lý 104 vụ, 118 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, xử lý hình sự 4 vụ, 6 đối tượng về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, “tín dụng đen” vẫn không có dấu hiệu giảm...

Công an toàn tỉnh đã rà soát, lên danh sách quản lý, xây dựng kế hoạch, đối sách đấu tranh 36 nhóm, 141 đối tượng và 44 đối tượng hoạt động riêng lẻ có liên quan đến “tín dụng đen”. Đến nay, đã thanh loại 36 nhóm, 141 đối tượng và 11 đối tượng hoạt động riêng lẻ. Hiện đang tiếp tục quản lý 33 đối tượng (ngoài tỉnh 5 đối tượng, trong tỉnh 28 đối tượng).

Theo đại tá Đinh Văn Nơi (Giám đốc Công an tỉnh An Giang), sau 3 năm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, tình hình đã được kiềm chế. Đặc biệt là hoạt động kinh doanh tài chính trái phép, huy động vốn trái phép… đã không còn diễn biến rầm rộ, công khai như trước.

Các hành vi siết nợ, đòi nợ gắn với sử dụng bạo lực, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật và gây rối trật tự công cộng (như: Đặt vòng hoa tang, đổ chất bẩn, chất thải…) chưa phát hiện xảy ra. Công tác điều tra, đấu tranh xử lý có nhiều chuyển biến tích cực. Không dừng lại ở góc độ xử lý hành chính như trước, mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố điều tra 3 vụ, 5 đối tượng có hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, tạo sức răn đe, phòng ngừa tội phạm mạnh mẽ.

Tờ rơi “cho vay trả góp”

Tuy nhiên, các nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen” có dấu hiệu di chuyển ra vùng ven, không có cơ sở, không treo bảng hiệu và địa điểm cụ thể. Chúng biến tướng theo dạng cấu kết với nhau, hoạt động lưu động ở nhiều địa bàn, nhiều địa phương. Công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng hoạt động cho vay trực tuyến, cho vay dưới hình thức chơi hụi, huy động vốn lãi suất cao còn hạn chế. Công tác kiểm tra hành chính cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh tài chính và cơ sở kinh doanh khác (có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”) mới chỉ đáp ứng yêu cầu răn đe, nhắc nhở, chưa đáp ứng yêu cầu phát hiện xử lý hành vi vi phạm.

Theo UBND tỉnh An Giang, thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” còn nhiều diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất có thể nghiêm trọng hơn. Nhất là sau dịch bệnh COVID-19, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhu cầu vay vốn để chi tiêu, sản xuất tăng. Đây là yếu tố tiềm ẩn, dễ làm phát sinh “tín dụng đen”.

Các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và lòng tham của một bộ phận người dân để huy động vốn với lãi suất cao, nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng sử dụng công nghệ cao hoạt động cho vay trực tuyến sẽ gia tăng. Hoặc chúng phát tán hình ảnh, thông tin cá nhân nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người vay trên môi trường mạng. Các đối tượng người nước ngoài cho vay lãi nặng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động, mạng internet có chiều hướng gia tăng. Nhiều người đi vay để đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh có sự rủi ro cao, mục đích bất chính hoặc tham gia vào tệ nạn xã hội sẽ tiếp tục tìm đến “tín dụng đen”.

Để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với “tín dụng đen”, các sở, ngành, đoàn thể và UBND địa phương cần huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị tham gia; vận động nhân dân tích cực tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; gắn công tác phòng ngừa, đấu tranh “tín dụng đen” với phòng, chống tội phạm có tổ chức, tệ nạn xã hội, đường dây tổ chức đánh bạc, tội phạm ma túy.

Công an các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, biện pháp hành chính, nắm tình hình, rà soát để kịp thời phát hiện, lập hồ sơ quản lý đấu tranh, xử lý đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Phối hợp viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; kiến nghị khởi tố về tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đối với các nhóm và đối tượng nghi vấn hoạt động “tín dụng đen” (đã được rà soát, lên danh sách), cần tăng cường áp dụng đối sách quản lý, kế hoạch triệt xóa cụ thể…

 HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích