Phóng sinh chim, cá: Phúc đức hay thất đức?

30/08/2023 - 20:41

Phóng sinh cần được hiểu cho đúng. Việc giải cứu động vật hoang dã gặp nạn và trả chúng về tự nhiên khác với việc mua động vật bị săn bắt rồi thả chúng ra.

Trong tự nhiên, một loài động vật ăn thịt một loài động vật khác là việc hết sức bình thường, bởi đó là “chuỗi thức ăn” phù hợp với quy luật sinh tồn, để tất cả các giống loài đều có thể cân bằng và tồn tại. Con người cũng là động vật, đặc biệt lại là động vật bậc cao, nên chúng ta ăn thịt động vật để sinh tồn và duy trì giống nòi cũng là một điều hợp lý.

Quyền động vật

Trong kỷ nguyên hiện đại, một trong những điều khủng khiếp nhất, đó chính là việc huy động mọi nguồn lực, kể cả sự sống (của động vật), để phục vụ cho chính sự tồn tại và phát triển của loài người. Ngành công nghiệp thực phẩm, y học hóa học và công nghiệp may mặc, sản phẩm hàng hiệu… đều phát triển mạnh mẽ, và rõ ràng chúng đều không thể tách rời việc giết hại các sinh vật khác để phục vụ cho “chức năng nhiệm vụ” của mình.

Cá chép trước giờ phóng sinh xuống dòng sông. Ảnh: H.Sao

Cá chép trước giờ phóng sinh xuống dòng sông. Ảnh: H.Sao

Trước đây, thiên nhiên còn hoang dã thì tiến hóa trong vô thức. Nhưng sau khi quần thể con người “có ý thức” ra đời, đã đặt ra thiết chế xã hội và rồi những khái niệm như “đạo đức”, “nhân tâm”, “thiện ác”… cũng đồng thời xuất hiện. Dưới góc độ triết học hiện đại, thì khái niệm “Quyền động vật” đã ra đời.

“Vạn vật hữu linh”, tức các loài động vật đều có linh hồn và tri giác, nên đều có những quyền cơ bản được tôn trọng với tư cách cá nhân, như quyền được sống, quyền được tự do (chim thì được bay, cá thời được lội) và đặc biệt là không bị tra tấn dã man hay tước đi mạng sống. Rõ ràng, không chỉ mỗi con người, mà loài vật cũng biết hỷ - nộ - ái - ố, và… ham sống sợ chết.

Phóng sinh và phước báu

Quay ngược lại thời gian, “Quyền động vật” nói trên đã được nhắc tới trong kinh điển Phật giáo Đại thừa với khái niệm “Phóng sinh” phổ biến ở các nước đồng văn: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam.

Phóng tức buông, sinh tức sống. Phóng sinh tức là thả động vật ra để chúng trở về với sự sống vốn có. Hành động này thường thấy là: giải cứu động vật khỏi lưỡi dao và cái chậu cái lồng của những người bắt nhốt, để trả lại tự do cho chúng sống.

Đặc biệt, mặc dù hoạt động phóng sinh xuất phát từ Phật giáo, và dựa trên tinh thần từ bi bình đẳng của muôn loài và quan niệm luân hồi nhân quả; nhưng bạn có phải là phật tử hay không, và bạn có niềm tin tôn giáo hay không, bạn vẫn có thể phóng sinh: đưa động vật trở về với sự sống.

Một nhà chùa tổ chức lễ phóng sinh ở Nghệ An. Ảnh: H.Sao

Một nhà chùa tổ chức lễ phóng sinh ở Nghệ An. Ảnh: H.Sao

Và cũng theo quan điểm của Phật giáo, công đức phóng sinh là công đức hoàn hảo và tối thượng trong tất cả các thiện nghiệp. Tất cả chúng sinh đều bình đẳng, phóng sinh động vật cũng là tích phúc cho chính mình. Đây là một cách tích cực để phát triển lòng từ bi và lòng trắc ẩn. Việc phóng sinh có lợi cho việc xây dựng nền văn minh sinh thái, xây dựng xã hội hài hòa, duy trì cân bằng sinh thái và hòa bình xã hội.

Khi chúng ta làm thịt gà, hãy nhìn hình ảnh khi nó sắp bị giết: giãy dụa quằn quại và cố gắng tìm mọi cách để thoát khỏi bàn tay, lưỡi hái của chúng ta. Bởi đơn giản, nó cũng là một sinh mạng nên cũng muốn bản thân mình được sống.

Tất nhiên, không có sự công bằng cho tất cả. Con người vốn là động vật bậc cao, có ý thức, có tư duy, có tổ chức xã hội… nên con người vẫn phải tồn tại, và như vậy vẫn phải giết hại muông sinh, biến chúng thành thức ăn để duy trì cuộc sống.

Nói đến đây, thì phải công nhận rằng con người chính là những kẻ háu ăn số 1, dù là chim bay trên trời, hay cá bơi dưới nước, hay loài nào đó chạy trên mặt đất… thì loài người cũng tìm cách biến chúng thành thức ăn.

Cá được thả xuống sông. Ảnh: H.Sao

Cá được thả xuống sông. Ảnh: H.Sao

Nhưng, đã là đối tượng có tư duy, có ý thức, thì ắt có đạo đức, có nhân tâm. Chính vì vậy mà chúng ta nên đối xử với mọi sinh vật bằng tấm lòng từ bi, yêu thương và trân trọng. Những người yêu chó yêu mèo, yêu gà yêu vịt, yêu thỏ yêu nai… chính là lẽ đó. Và một cách rất hữu hiệu thể hiện tinh thần đó là tăng cường ăn chay để hạn chế sát sinh ở mức tối đa có thể.

Nghiệp quả như hình bóng. Nhân nào thì quả nấy. Chính vì vậy, hãy nuôi dưỡng tấm lòng từ bi để rồi thường xuyên phóng sinh, gây nên sự sống. Điều này sẽ giúp bạn điều chỉnh bản thân đạt đến tần số cao của tình yêu vị tha đại chúng. Khi đã xa lánh được máu tanh, thì an lành luôn kề cạnh.

Phóng sinh là gieo trồng tình thương vô điều kiện, chắc chắn sẽ giúp người phóng sinh: nội tâm được an lạc, sắc tướng được sáng ngời, sự nghiệp được hanh thông, cuộc đời được hạnh phúc. Đặc biệt là sẽ xây dựng hòa bình thế giới, bởi động vật mà chúng ta còn tỏ sự trân trọng và mến yêu, thì lẽ nào cùng là con người lại không đối xử với nhau như vậy.

Phóng sinh như thế nào mới đúng?

Hành động phóng sinh là biểu hiện trực quan của lòng từ bi Phật giáo, và được cho là đem lại phước báu vô cùng. Chính vì sự “hứa hẹn” như vậy mà hiện nay rất nhiều người rất muốn thực hiện, vô hình tạo nên một trào lưu “phóng sinh bất chấp”, tức việc thả sự sống trở thành một hành động sơ suất và bừa bãi, không tạo nên được công đức cao dày; mà ngược lại, làm tổn hại nghiêm trọng đến sự sống được thả, hủy hoại môi trường sinh thái, thậm chí gây xáo trộn cho đời sống dân sinh.

Chắc chúng ta vẫn còn nhớ đầu năm 2017, việc Thượng tọa Thích Chân Quang tổ chức lễ phóng sinh cá chim trắng xuống sông Hồng bị dư luận lên án, bởi loài cá được phóng sinh có răng sắc nhọn chuyên ăn những loài cá nhỏ khác. Cứ ngỡ phóng sinh sẽ tạo công đức vô cùng, nhưng thực ra là phá hủy sự cân bằng sinh thái ban đầu, bởi sự xuất hiện của các loài ngoại lai xâm lấn dẫn đến sự tuyệt chủng hoặc diệt vong của nhiều loài và sinh vật.

Bên cạnh đó, nhu cầu phóng sinh lớn đã tạo nên chuỗi ngành công nghiệp đánh bắt chim, cá, và những loài động vật khác... Điều này khiến việc phóng sinh biến thành lợi ích thương mại của một nhóm đối tượng, đi chệch khỏi ý nghĩa ban đầu của giáo lý Phật giáo.

Những người bắt động vật sẽ chủ động tích trữ “hàng” trong không gian nhỏ hẹp bức bí thiếu nguồn sống, gây ra cái chết hàng loạt trước và sau khi chúng được thả ra.

Cá chép đỏ và trắng chuẩn bị được phóng sinh. Ảnh: H.Sao

Cá chép đỏ và trắng chuẩn bị được phóng sinh. Ảnh: H.Sao

Vậy nên, khi phóng sinh, chúng ta hãy làm theo cách tự nhiên, không cần câu nệ hay phụ thuộc vào lễ lạt. Đặc biệt, nên xem xét đầy đủ khả năng động vật được thả sống sót trong môi trường tự nhiên. Cố gắng xem xét hệ sinh thái nhỏ của địa điểm thả, chú ý đến sự phù hợp của các loài và sự cân bằng về số lượng, đồng thời cố gắng sắp xếp và lập kế hoạch hợp lý.

Việc giải cứu động vật hoang dã gặp nạn và trả chúng về tự nhiên sau khi hồi phục, về cơ bản khác với việc mua động vật bị săn bắt trong tự nhiên và thả chúng ra. Cái trước được chủ trương, bởi nó gần với bản tâm nhà Phật, trong khi việc giải phóng cái sau lại tương đồng với việc giết hại hơn là đưa về sự sống.

Vu Lan năm Quý Mão
Cương Giang cư sĩ

Theo Vietnamnet