Gieo chữ cho con
Với truyền thống thuần nông, vậy mà 4 cô con gái của ông Nguyễn Thanh Phong và bà Lê Thị Trọn (ấp Mỹ Long 2) đều lần lượt bước vào đại học và đã có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp. Trước đây, vì gia đình nghèo nên ông Phong chỉ học đến lớp 9 rồi đi học nghề mộc, kiếm tiền. Quá cực với công việc đồng áng nên ông Phong muốn cuộc sống con mình sẽ tốt hơn, được ăn học, thực hiện những ước mơ, hoài bão của bản thân.
“Thấy con đi học xa nhà mà tiết kiệm, ít dám xin tiền, đứa lớn phụ tiếp đứa nhỏ, rồi mấy chị, em đi phụ quán cơm… thương lắm. Con ham học vậy, nên dù cực khổ cỡ nào, tui cũng cố gắng lo cho con được học đến nơi đến chốn. Mình làm nông, của cải không bằng ai, cho con kiến thức thì đó là gia tài”- ông Phong chia sẻ.
Niềm vui lớn nhất của vợ, chồng ông Phong là thành tích học tập tốt của các con
Cùng là nông dân và có hoàn cảnh khó khăn nhưng gia đình ông Huỳnh Văn Thân (ấp Mỹ An 2) cố gắng lo cho 7 người con được đến trường, học hành đàng hoàng. Chỉ với vài công đất, ông Thân và vợ vừa trồng rẫy, vừa đi làm thuê, làm mướn nuôi các con học đến đại học, thạc sĩ, trong đó có 1 người đang là nghiên cứu sinh.
“Dù thời điểm đó, gia đình có khó khăn nhưng tôi với vợ luôn tích góp một khoản tiền, dành riêng lo cho các con, không để việc học phải gián đoạn giữa chừng vì cái nghèo”- ông Thân cho hay.
Không chỉ riêng gia đình ông Thân, mà dòng họ Huỳnh cũng là dòng họ khuyến học đầu tiên của xã Mỹ Hòa Hưng, với 52 thành viên. Đến nay, dù đã có tuổi, muốn là tấm gương cho các con noi theo, nên ông Thân luôn miệt mài lao động. Vừa là Chi hội trưởng dòng họ khuyến học, ông Thân còn là nông dân giỏi, ứng dụng sáng tạo khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, là một trong những nông dân tiên phong với mô hình trồng cúc pha lê ở cù lao Ông Hổ.
Chung tay chăm lo
Từ nhiều năm nay, với vai trò làm nồng cốt, Hội Khuyến học xã Mỹ Hòa Hưng đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của công tác khuyến học, khuyến tài đến toàn thể người dân địa phương. Nhận thức được nâng cao, ngày càng xuất hiện nhiều gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học.
Đến nay, toàn xã có 5 chi hội khuyến học trường học, 9 chi hội ấp, 1 dòng họ khuyến học, 931 gia đình hiếu học. Không dừng lại ở đó, hội còn tiến hành vận động được hàng trăm triệu đồng để tiếp sức cho học sinh đến trường, hỗ trợ trong hè và đầu năm học.
“Hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và nhà trường, nhà hảo tâm trong công tác xã hội hóa giáo dục. Như vậy, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ và động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến trường. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học những năm gần đây giảm mạnh, chỉ còn dưới 1-2%” - bà Trần Thị Hạnh Dung, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Mỹ Hòa Hưng phấn khởi cho biết.
Bên cạnh đó, hội còn biểu dương những tài năng thành đạt, gia đình hiếu học tiêu biểu tại địa phương nhằm tạo động lực cho phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng lớn mạnh. Đồng thời, trao các suất học bổng cho học sinh xuất sắc toàn trường ở các cấp học, qua đó động viên tinh thần học tập của các em.
Phong trào khuyến học, khuyến tài ở xã Mỹ Hòa Hưng đã và đang tạo mối liên kết gắn bó giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục ý thức học tập ở mỗi người, mỗi gia đình. Từ lâu, đã trở thành phong trào, nếp sống văn hóa ở quê hương Bác Tôn. |
Bài, ảnh: ÁNH NGUYÊN