Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19” được phát động, phụ nữ là một trong những lực lượng xung kích, đi đầu. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, giúp gần 50.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ hiểu được vai trò của mình, hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Ký kết hợp tác giai đoạn 2023-2025
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh thành lập được 23 tổ phụ nữ tự quản đường biên, mốc quốc giới; xây dựng 65 hòm thư tố giác tội phạm và các kênh tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng. Phụ nữ vững bước cùng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đồn biên phòng tuần tra, kiểm tra, vệ sinh, phát quang hệ thống đường biên, mốc giới hơn 550 cuộc. Trong những lần phối hợp tuần tra, gần 11.000 lượt CBCS, phụ nữ tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật, quy chế khu vực biên giới, cửa khẩu, đất liền, công tác phân giới cắm mốc… Cũng từ đó, 250 tin được chị em phụ nữ cung cấp, liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, buôn lậu, tội phạm hình sự, phần lớn có giá trị.
Điển hình như, 129 thành viên của Tổ phụ nữ giữ gìn an ninh biên giới Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc) phối hợp Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn duy trì sinh hoạt thường xuyên 237 cuộc, gần 4.800 lượt người tham dự, góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội địa bàn. Tương tự, xã Vĩnh Xương, Phú Lộc (TX. Tân Châu) quy tụ 65 chị em phụ nữ, tuổi đời từ 20-45, là cán bộ, hội viên nòng cốt để tham gia Tổ phụ nữ giữ gìn an ninh biên giới và giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới. Theo quy chế phối hợp giữa Hội LHPN xã Vĩnh Xương và Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, định kỳ hàng quý, các bên tổ chức tuần tra đường biên, cột mốc; tuyên truyền pháp luật, thông tin về tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội… cho cán bộ, hội viên, nhân dân.
Khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, Hội LHPN các cấp phối hợp ban, ngành, đoàn thể vận động nguồn lực đến thăm hỏi, động viên, trao tặng gần 800 phần quà cho tổ, chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19, đồn biên phòng. Những phần quà trị giá không nhiều, nhưng các chị “góp gió thành bão”, lặn lội phương xa, chắt chiu gửi tặng từng nhu yếu phẩm và chút ít tấm lòng đến người lính biên cương. Một hoạt động nổi bật khác là gần 26.000 bình lọc nước đến với gia đình CBCS BĐBP, do 1 doanh nghiệp tài trợ.
“Hội viên, phụ nữ đã đóng góp hết sức thiết thực, quan trọng trong tham gia xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh” - đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy BĐBP tỉnh khẳng định.
Không thể phủ nhận rằng, nhân dân nói chung, hội viên, phụ nữ nói riêng ở khu vực biên giới vẫn còn khó khăn. Thiếu đất sản xuất, họ phải đi làm thuê hoặc làm ăn xa. Thậm chí, túng quẫn đến mức, một số người sẵn lòng đai, vác mướn cho chủ đầu nậu buôn lậu, để đánh đổi miếng ăn hàng ngày.
Muốn để họ trở thành chỗ dựa vững chắc ở biên giới, cùng canh giữ chủ quyền Tổ quốc, trước tiên họ phải tự nuôi sống được bản thân và gia đình mình. Từ đó, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” ra đời. Sự đồng hành ấy đến từ món quà nhỏ, như nhu yếu phẩm, gạo, đến món quà lớn hơn, như "Mái ấm biên cương", "Mái ấm hậu phương"; trao cả “cần câu” là vốn sinh kế thoát nghèo.
Các đồn biên phòng còn phối hợp Hội LHPN cơ sở đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, phát huy nguồn lực tại chỗ trên tinh thần “Tương thân tương ái”, giúp vốn lãi suất thấp hoặc không tính lãi. Tính đến nay, Hội LHPN các xã biên giới quản lý dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 1,1 tỷ đồng, hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo vay vốn. Nhiều tổ, nhóm, mô hình được mở rộng về nội dung, hình thức, như: Tổ phụ nữ tiết kiệm mừng Xuân; tổ hùn vốn xoay vòng; tổ phụ nữ tiết kiệm nuôi heo đất mua bảo hiểm y tế…
“Điều trăn trở hiện nay của chúng tôi là hoạt động hỗ trợ chỉ dừng lại giải quyết vấn đề trước mắt (học bổng, truyền thông, mái ấm…) chứ chưa mang tính bền vững, lâu dài (sinh kế, việc làm) cho phụ nữ biên giới. Mặt khác, nguồn lực thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” rất hạn chế, chủ yếu vận động nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân bên ngoài. Kinh nghiệm cho thấy, các hoạt động hỗ trợ phải bám sát vào nhu cầu hội viên, phụ nữ biên giới; tập trung theo hướng trao sinh kế. Cán bộ Hội LHPN, BĐBP các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, vận động CBCS, hội viên, phụ nữ tham gia đóng góp, thực hiện phong trào” - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang Lê Bích Phượng chia sẻ.
Chương trình phối hợp rất cần sự chung sức, chung lòng của cộng đồng, sự hỗ trợ của hệ thống chính trị. Phải cộng hưởng với ý chí “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của từng phụ nữ, họ mới có thể phát huy tối đa vai trò “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trên tuyến biên giới xa xôi.
GIA KHÁNH