Phụ nữ Châu Thành giúp nhau phát triển kinh tế

02/05/2022 - 07:37

 - Những năm gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) tích cực triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, với nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh (SXKD) hiệu quả. Bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả và hình thức tiết kiệm khác nhau, các hội viên, phụ nữ đã tích cực hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng...

Phụ nữ tích cực lao động sản xuất

Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành Tạ Thị Ngọc Thạch cho biết, xác định phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” là đòn bẩy thu hút hội viên tham gia tổ chức hội, Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện triển khai nhiều giải pháp giúp phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm; đẩy mạnh triển khai phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển sinh kế, xây dựng các mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững. Trong đó, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” đã được hội vận dụng sáng tạo, linh hoạt, bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hàng năm, Hội LHPN các xã, thị trấn chủ động rà soát số lượng hội viên, phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, xây dựng kế hoạch giúp đỡ chị em thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh từng người, như: Hỗ trợ vốn vay ưu đãi phát triển SXKD; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; tập huấn kỹ thuật canh tác, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm…

Ngoài việc hỗ trợ chị em phụ nữ trồng trọt, chăn nuôi và phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Châu Thành còn tích cực hỗ trợ các chị em hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng cách tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm. Các cấp hội đã đồng hành xuyên suốt cùng hội viên, phụ nữ trong việc giới thiệu tham gia các lớp miễn phí về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao năng lực tổ chức quản lý SXKD; hỗ trợ hội viên trong hoạt động đăng ký kinh doanh, đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn mác bao bì sản phẩm.

Tranh thủ các nguồn vốn của các cấp, Hội LHPN huyện và xã, thị trấn tạo điều kiện cho nhiều hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo có nhu cầu về vốn được tiếp cận, nhất là nguồn vốn tín chấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các tổ chức tín dụng khác. Đồng thời, vận động chị em chủ động xây dựng nguồn vốn tại chỗ, gồm: Tổ hùn vốn xoay vòng, Tổ phụ nữ làm kinh tế, Tổ phụ nữ sản xuất rau màu an toàn, Tổ tiết kiệm nuôi heo đất… Các mô hình, tổ tiết kiệm nhận được sự hưởng ứng của chị em, góp phần nâng cao đời sống, chung sức thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Hội LHPN các cấp huyện Châu Thành phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện quản lý 85 tổ, với trên 3.800 hộ, có tổng dư nợ do các cấp hội nhận ủy thác gần 87 tỷ đồng. Đồng thời, duy trì 86 tổ tiết kiệm vay vốn, với trên 3.800 người gửi tiết kiệm, số dư tiền gửi trên 8,5 tỷ đồng. Năm qua, được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ, huyện đã giải ngân cho 74 lượt hội viên, phụ nữ mua bán nhỏ; vận động từ nguồn vốn nhàn rỗi, vốn tín dụng hỗ trợ cho 168 chị vay vốn làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, phối hợp các ngành giới thiệu, tư vấn và hướng dẫn trên 1.285 lao động đi làm trong và ngoài tỉnh.

Với sự trợ lực, hỗ trợ của các cấp Hội LHPN, nhiều chị em, phụ nữ trên địa bàn huyện Châu Thành đã tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp với đam mê của mình, phát huy kiến thức, kinh nghiệm ứng dụng vào thực tế sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu, như: Mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến trà túi lọc từ măng tây xanh” của chị Phạm Ngọc Thanh (xã Cần Đăng), “Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chiết xuất tinh dầu sả và tận dụng lá sả sau khi chiết xuất tinh dầu để trồng nấm rơm” của chị Phạm Thị Như (xã Cần Đăng)…

Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành Tạ Thị Ngọc Thạch cho biết: Thời gian tới, Hội LHPN huyện Châu Thành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phát động cán bộ hội viên, phụ nữ thi đua thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” và các hoạt động khởi nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn; duy trì và nhân rộng các mô hình phụ nữ tiết kiệm, các tổ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ hội viên, phụ nữ tiếp cận nguồn vốn để học tập, lao động, SXKD, góp phần tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

KHÁNH MY

 

Liên kết hữu ích