Chia sẻ về ước mơ khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương với cây đinh lăng, chị Kim Đính cho biết, người phản đối đầu tiên là ba mẹ của mình. Vì theo họ, đinh lăng là loại cây không xa lạ với bà con xứ này, hầu như nhà nào cũng trồng cây đinh lăng, không ít thì nhiều. Hơn nữa, chị Kim Đính chưa am hiểu nhiều về loại cây đinh lăng thì làm sao khởi nghiệp. Lo sợ của bậc sinh thành không phải không có lý. Thế nhưng, sau những ngày bôn ba mưu sinh nơi xứ người, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy hiểu được rằng, chỉ có ước mơ, dám thực hiện ước mơ mới thành công. Vừa làm, vừa thuyết phục gia đình, dù chưa thật sự đồng ý nhưng ba mẹ không ngăn cản quyết liệt như lúc đầu. Chị Đính nghiên cứu, tìm hiểu những thông tin về cây đinh lăng, bắt tay khởi nghiệp với trà và rượu đinh lăng bằng số tiền tích lũy trong nhiều năm.
3 năm từ ngày bắt tay vào dự án khởi nghiệp của mình, nhiều lúc rất khó khăn (nhất là thời gian đầu) nhưng chị quyết tâm theo đuổi đến cùng, không bao giờ bỏ cuộc. Tận dụng đất trống trên vườn xoài của gia đình, chị Đính trồng xen những cây đinh lăng. “Cây đinh lăng trồng 3-4 năm thu hoạch lá. Thời gian chờ đợi, tôi tìm hiểu về loại thảo dược này. Càng tìm hiểu, tôi càng đam mê với cây đinh lăng. Nhờ vậy, khi bắt tay vào thử nghiệm sản phẩm trà và rượu đinh lăng, tôi mất khoảng 6 tháng. Mỗi lần thất bại, tôi rút ra được những bài học kinh nghiệm đáng quý khi chế biến sản phẩm. Với tôi, có thất bại mới thành công. Vậy nên, tôi kiên định đến cùng ước mơ khởi nghiệp của mình, dù nhiều người cho rằng không khả quan. Ngoài vườn đinh lăng trồng tại nhà, tôi liên kết bao tiêu vườn đinh lăng của một người chú để đủ nguyên liệu làm trà và rượu” - chị Đính tâm tình.
Thành quả của quá trình khởi nghiệp
Để làm ra sản phẩm trà đinh lăng, công đoạn chọn lá là bước đầu tiên đòi hỏi rất khắt khe. Theo đó, lá đinh lăng đạt chuẩn thu hoạch phải là lá già còn tươi xanh, không quá non, không bị sâu bệnh. Chọn lá đạt chất lượng đến công đoạn rửa sạch, phơi khô và sấy trà. Công đoạn sấy trà, chị Đính không biết đã thất bại bao nhiêu lần. Chỉ việc canh lửa, nhiệt độ vừa phải thôi rất khó khăn, chỉ cần sơ sẩy là hỏng mẻ trà. Nhưng với quyết tâm khởi nghiệp, chị Đính tích lũy kinh nghiệm sau những lần thất bại, cuối cùng cũng thành công. Để đảm bảo các công đoạn thành phẩm trà đinh lăng, chị Kim Đính đầu tư máy sấy, nghiền trà và máy ép với kinh phí khoảng 50 triệu đồng. Với 12kg lá tươi cho ra 1kg trà, sản phẩm trà đinh lăng được chị Kim Đính bán với giá 30.000 đồng/gói 50gr và 55.000 đồng/gói 100gr. Hiện tại, chị Đính đang nghiên cứu và thử nghiệm trà đinh lăng túi lọc, sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện. Với rượu đinh lăng, chị Đính bán với giá 300.000 đồng/lít.
Sản phẩm trà và rượu đinh lăng của chị Đính có thương hiệu “trà Vương Đính”, “rượu Vương Đính”, 2 sản phẩm này ra mắt thị trường không lâu nhưng nhận được hiệu ứng tích cực từ người tiêu dùng. Thông qua những gian hàng phụ nữ khởi nghiệp, triển lãm sản phẩm khởi nghiệp của huyện, chị Đính đã quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài địa phương. Những ngày dịch bệnh COVID-19 chưa diễn biến phức tạp, chị Đính còn mang sản phẩm giới thiệu với các tiệm tạp hóa ở các địa phương lân cận. Cả 2 sản phẩm trà và rượu đinh lăng của chị Đính đều được Sở Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Niềm vui trên bước đường khởi nghiệp của chị Kim Đính khi được chính quyền địa phương đồng hành, ủng hộ, giúp chị tiếp cận nguồn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, với số tiền 50 triệu đồng.
Chị Đính chia sẻ thêm, địa phương đang hỗ trợ sản phẩm trà, rượu đinh lăng đạt chuẩn OCOP với các giấy tờ, thủ tục có liên quan. “Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ với hình thức bán trực tuyến (online) và mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời tiếp tục nghiên cứu để ra mắt nhiều sản phẩm mới, chất lượng trường” - chị Kim Đính bộc bạch.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN