Nhằm khai thác lợi thế của huyện thuần nông, ngay từ đầu nhiệm kỳ, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Phú Tân. Nổi bật là Nghị quyết 11-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy đã quy hoạch phát triển định hướng 5 vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, trồng nếp (1.500ha), cây ăn trái (hơn 2.510ha), rau màu (275ha) và thủy sản (995,1ha).
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân Nguyễn Thanh Tuyến cho biết, đến nay, huyện đã sản xuất giống lúa, nếp đạt yêu cầu xuất khẩu, trong đó, nếp đã vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU) gắn cấp mã số vùng trồng. Diện tích trồng màu hàng năm đều tăng, hiện có hơn 2.900ha. Cùng với đó có nhiều mô hình mới, như: Trồng rau muống lấy hạt trên đất lúa vụ đông xuân, trồng đậu nành rau trên đất lúa vụ hè thu, luân canh rau muống lấy hạt - đậu nành rau, luân canh đậu nành rau - bắp (5 vụ) trên nền đất sản xuất 3 và 4 vụ.
Nông dân “xứ nếp” chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất
Việc khai thác các vùng đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái được người dân đồng thuận, với diện tích chuyển đổi 754,12ha và diện tích đang cho thu hoạch hơn 550ha, sản lượng ước đạt 8.400 tấn. Thủy sản trên địa bàn vẫn chiếm tỷ trọng lớn, ngoài liên kết với các doanh nghiệp mở rộng vùng nuôi cá tra, còn phát triển thêm nhiều loại cá khác bán sang thị trường tiềm năng Campuchia.
Huyện Phú Tân tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc sản, hiện có 7 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Công nghệ mới được ứng dụng sâu rộng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng về quy mô và đa dạng loại hình. Đặc biệt, công nghiệp chế biến được chú trọng, đảm bảo cho việc bảo quản, chế biến sản lượng nếp hàng vụ, với quy mô 445 lò sấy và 30 nhà máy chế biến xay xát, thể hiện mục tiêu tái cơ cấu có bước tiến bộ, tạo giá trị mới…
Trong tái cơ cấu, huyện Phú Tân xác định sản xuất theo xu thế liên kết gắn với củng cố, nâng chất hợp tác xã (HTX) là mục tiêu tất yếu cho phát triển kinh tế nông nghiệp trước sự biến đổi liên tục của thị trường. Xu thế này còn đồng thời đáp ứng được nguyện vọng của nông dân vùng chuyên canh nếp và nâng cao giá trị sản xuất, nâng dần trình độ quản trị các HTX. “Thông qua biên bản ghi nhớ liên kết sản xuất tiêu thụ lúa, nếp giai đoạn 2023 - 2025 với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, tuy còn gặp một số khó khăn, nhưng việc liên kết đã từng bước khắc phục điệp khúc “được mùa, mất giá”, cạnh tranh giá theo hướng có lợi cho nông dân, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, được ứng vốn trước, giống và vật tư nông nghiệp chất lượng… Đặc biệt là thay đổi tập quán trong sản xuất (xác định được giá bán, tiêu thụ có hợp đồng), phát huy vai trò cầu nối của các HTX” - ông Nguyễn Thanh Tuyến chia sẻ.
Theo ông Tuyến, phụ lục biên bản ghi nhớ sản xuất lúa, nếp theo tiêu chuẩn EU giai đoạn 2023 - 2025 giữa UBND huyện Phú Tân với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ngoài nâng cao trình độ sản xuất và thu nhập nông dân, còn khai thác đa dạng thị trường, tham gia vào thị trường khó tính, góp phần hình thành, bổ sung sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng sản xuất theo tiêu chuẩn EU. Đồng thời, khai thác nguồn lực tại chỗ (hệ thống lò sấy, kho chứa, nhà máy xay xát), giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gắn các vùng sản xuất tập trung.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Tân lần thứ XII, mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với 2 khâu đột phá. Thứ nhất, phát huy lợi thế vùng chuyên canh nếp gắn với triển khai phương thức sản xuất “2 năm, 5 vụ” ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao… Đến nay, 2 khâu đột phá này đã tạo được sức mạnh lan tỏa trong nông dân, tạo tiền đề quan trong thay đổi nhận thức, tập quán, quan hệ sản xuất theo xu thế liên kết.
Bài học kinh nghiệm ngành nông nghiệp rút ra trong thời gian qua chính là phát huy tính cần cù, chịu khó, sáng tạo và đa dạng các mô hình để nông dân mạnh dạn tham gia; ứng dụng khoa học - công nghệ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất. Bên cạnh đó, công khai rộng rãi các quy hoạch, triển khai kịp thời các chính sách, vận dụng linh hoạt, thủ tục đơn giản để nông dân hưởng ứng thực hiện. Trong quá trình thực hiện, cần thiết nhất là phối hợp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc; định hướng đầy đủ, kịp thời nhu cầu liên kết của doanh nghiệp.
MỸ HẠNH