Phú Tân phục hồi và phát triển kinh tế

24/10/2022 - 07:02

 - Qua thời gian triển khai nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) theo chỉ đạo của UBND tỉnh An Giang, cùng sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân trên địa bàn, KTXH huyện Phú Tân đã có những chuyển biến tích cực. Thành quả sau quá trình nỗ lực là tín hiệu phấn khởi để cả hệ thống chính trị của huyện tiếp tục phấn đấu nhằm đạt và vượt mục tiêu đề ra trong năm 2022.

Đến tháng 9 năm 2022, tổng giá trị sản xuất của huyện Phú Tân vượt so cùng kỳ 6,33%. Cụ thể, so cùng kỳ, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản vượt 2,57%; công nghiệp - xây dựng vượt 6,25% và dịch vụ vượt 13,34%. Thế mạnh nông nghiệp được tập trung tối đa, với diện tích trồng trọt toàn huyện hơn 62.700ha, tăng hơn 1.190ha so cùng kỳ.

Trong đó, diện tích sản xuất lúa, nếp hơn 59.800ha. Đồng thời, diện tích ký hợp đồng liên kết và thu mua tiếp tục tăng so với năm trước. Cụ thể, vụ đông xuân có hơn 3.600ha (tăng 36,35ha so cùng kỳ) và vụ hè thu có trên 5.100ha (tăng hơn 2.181ha so cùng kỳ) được ký kết. Riêng vụ thu đông năm nay, huyện đang triển khai liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời diện tích hơn 2.697ha.

Đến nay, huyện đã thực hiện xả lũ dứt điểm 10/10 tiểu vùng với diện tích 11.384ha, gồm 10 tiểu vùng trong đê bao kiểm soát lũ (11.256ha) và vùng ngoài đê bao (128ha). Cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển biến theo hướng cây có giá trị kinh tế ổn định.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ duy trì, nâng cao hiệu quả kinh tế. Huyện có 5 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 sao. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, toàn huyện có trên 722ha chuyển đổi sang trồng cây ăn trái (tăng 83,5ha so cùng kỳ).

Hoạt động thương mại có chiều hướng phục hồi tích cực

Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, UBND huyện đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp (DN) khôi phục các hoạt động sản xuất - kinh doanh, thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Theo đó, Ban hỗ trợ DN huyện đã tiếp, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho 8 lượt DN và chi hỗ trợ cho 1.450 hộ kinh doanh với số tiền trên 4,3 tỷ đồng

Ngoài ra, thực hiện tốt các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế theo quy định, như: Giảm 30% số thuế thu nhập DN, miễn giảm tiền sử dụng đất, giảm lệ phí trước bạ, giảm thuế giá trị gia tăng, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất…

Từ việc triển khai nhiều giải pháp kích cầu phát triển KTXH nên hoạt động thương mại - dịch vụ có chiều hướng phục hồi. Trên địa bàn huyện đã phát triển mới 315 cơ sở kinh doanh, vốn đầu tư trên 162 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 917 lao động. UBND huyện còn giới thiệu nhiều cơ sở tham gia Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 và hội chợ các tỉnh ĐBSCL.

UBND huyện còn phối hợp Công ty TNHH Hội chợ triển lãm thương mại dịch vụ quảng cáo Sài Gòn tổ chức “Phiên chợ mua sắm và ẩm thực” tại trung tâm huyện. Qua đó, có khoảng 6.000 lượt người đến tham quan mua sắm, doanh số bán hàng đạt khoảng 960 triệu đồng. Công tác quản lý, kêu gọi đầu tư nâng cấp các chợ nông thôn trên địa bàn huyện được quan tâm triển khai thực hiện.

Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Lê Nguyên Châu nhận định, từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển KTXH và đạt nhiều kết quả tích cực. Nét nổi bật là địa phương tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ với DN, thu ngân sách tổng thể vượt so kế hoạch đề ra, công tác quản lý triển khai đầu tư xây dựng được chủ động; quốc phòng - an ninh đảm bảo…

Tuy nhiên, bên cạnh việc thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện và Kế hoạch của UBND huyện đề ra trong năm 2022, các ngành, địa phương phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để bù đắp lại phần bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021.

Tập trung cho vụ thu đông và công tác phòng, chống lũ, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân yêu cầu các ngành và địa phương cần có phương án, kế hoạch ứng phó với mưa lũ trong những ngày tới. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Các địa phương bố trí lực lượng thường xuyên túc trực tại những khu vực trọng điểm xung yếu, vận động người dân thường xuyên chặt mé cây xanh xung quanh những khu vực có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, tích cực hướng dẫn nông dân chăm sóc và bảo vệ ăn chắc vụ thu đông năm 2022.

Huyện tiếp tục phối hợp các sở, ngành triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 366/KH-UBND, ngày 9/6/2022 của UBND tỉnh về việc phục hồi và phát triển KTXH tỉnh đến năm 2023. Trong đó, tập trung kêu gọi đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN để khôi phục lại các hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, địa phương tiếp tục mở rộng phối hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc trời, Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang… Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH trong năm 2022 sẽ là nền tảng quan trọng để xây dựng chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho năm 2023, đồng thời đảm bảo theo các chỉ tiêu trong kế hoạch, nghị quyết 5 năm của huyện.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích