Chuyển đổi thành công giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế của bà con nông dân
Không chỉ các công trình phúc lợi, điện, đường, trường, trạm được xây dựng kiên cố, nhiều nhà mới mọc lên khang trang, con em của xã mừng vui khi được học trong những ngôi trường vững chãi với cơ sở vật chất đầy đủ, Phú Thuận giúp chúng tôi cảm nhận rõ hơn diện mạo nông thôn đang thay đổi từng ngày qua sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị cùng khí thế người người, nhà nhà thi đua xây dựng đời sống văn hóa, lao động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Đáng trân trọng hơn cả là sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân.Dịp gần nhất khi về với xã Phú Thuận, chúng tôi được nghe nhiều về những đóng góp của bà con. Không ít người bày tỏ, trước kia, họ chưa biết và chưa hiểu nhiều về xây dựng NTM nhưng sau nhiều lần được địa phương tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc dựng xây NTM là làm cho cuộc sống của chính mình tốt đẹp lên, nên đông đảo bà con chấp hành tốt những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “Nhìn những con đường sạch sẽ, khang trang, bà con đều vui mừng. Chúng tôi thường nhắc nhau phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, từ nhà ra ngõ, nhất là không đổ rác xuống sông để môi trường luôn được trong lành. Chính việc nhựa hóa, bê-tông các con đường quê nên việc đi lại và giao thương, buôn bán của bà con thuận lợi hơn, không còn cảnh lầy lội mỗi khi mưa xuống như xưa”- ông Nguyễn Văn Nô (sinh năm 1958, ngụ ấp Kinh Đào, xã Phú Thuận) chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Đinh Văn Tú cho biết: “Khi bắt tay hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Phú Thuận gặp rất nhiều khó khăn vì xuất phát điểm rất thấp. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với tỷ lệ trên 80%, các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển nhiều. Cơ sở hạ tầng nông thôn như: cầu đường, trường, trạm, điện, nước sinh hoạt chưa đáp ứng yêu cầu vì tỷ lệ hộ nghèo khá nhiều. Được sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, xã Phú Thuận đã về đích NTM sớm hơn lộ trình với tất cả quyết tâm và nỗ lực. Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”, cùng quan điểm chỉ đạo đúng đắn, hơn 7 năm triển khai xây dựng NTM, xã thuần nông Phú Thuận ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao hơn nên rất nhiệt tình đóng góp xây dựng quê hương”.
Hiện, 100% đường xã và đường trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa, bê-tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải. Nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất và hàng ngàn ngày công lao động cùng địa phương hoàn thành các công trình giao thông nội đồng phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Qua đó, đã xây dựng mới 7 cây cầu bê-tông, 3 cây cầu sắt, rải cát 13 tuyến đường nội đồng. Phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp, địa phương xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, kênh mương được đầu tư kiên cố và hệ thống đê bao khép kín. Từ đó, nhiều hộ nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: sạ hàng, nhân giống lúa mới, áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, bình quân năng suất lúa năm 2017 là 6,5 tấn/ha, sản lượng lương thực đạt trên 36.000 tấn (so năm 2011 tăng gần 4.000 tấn), lợi nhuận thu được từ 40 - 54 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, nhiều nông dân còn mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém chất lượng sang phát triển mô hình vật nuôi, cây trồng hiệu quả: mô hình sản xuất ếch giống diện tích, mô hình cá chạch lấu, mô hình nuôi tôm, mô hình trồng màu, vườn cây ăn trái.
“Tôi đã chuyển đổi thành công hơn 4.000m2 diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long ruột đỏ, bước đầu thu về kết quả rất khả quan. Tổng kinh phí đầu tư cho cả vườn hơn 300 triệu đồng, dù gặp phải không ít khó khăn nhưng nhờ địa phương thường xuyên thăm vườn và hỗ trợ kỹ thuật, vườn thanh long của tôi đã cho đợt trái chiến với thu hoạch khoảng 500kg. Giá thanh long ruột đỏ khá cao, hy vọng mang về lợi nhuận khá cho gia đình tôi.Hiện, tôi đang hướng đến sản xuất công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGap, gần nhất là có thể mang nông sản của mình vào các siêu thị, xa hơn là xuất khẩu” - ông Nguyễn Văn Nô bày tỏ. Toàn xã hiện có 27 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có thể tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người hơn 25 triệu đồng/người/năm thì năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 42 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,34%, số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, ổn định.
Với tổng kinh phí đầu tư xây dựng NTM trên 150 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 9 tỷ đồng, việc xây dựng NTM đã thực sự tạo ra động lực để người dân vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đây là điều kiện để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Thuận chung tay xây dựng và nâng chất quê hương ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN