'Phù thủy cây lúa' Gurdev Singh Khush và 5g hạt giống cứu sống nông nghiệp

19/12/2023 - 21:42

Giáo sư Gurdev Singh Khush đã 'cứu sống' nền nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long nhờ gửi 5g hạt giống lúa IR36 qua đường bưu điện cho Giáo sư - Tiến sỹ Võ Tòng Xuân nghiên cứu.

Giáo sư Gurdev Singh Khush đến từ Đại học California, Davis, Hoa Kỳ đã đi tiên phong trong việc tạo ra các giống lúa với khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao, như IR8, IR36, IR64...

Sự phát triển của các giống lúa sản lượng cao đã cách mạng hóa ngành trồng lúa trên toàn thế giới, giúp tăng sản lượng đáng kể đồng thời giảm chi phí và giảm thiểu sự phụ thuộc vào các chất hóa học độc hại.

Ít ai biết rằng, những năm 70 của thế kỷ trước, Giáo sư Gurdev Singh Khush đã "cứu sống" nền lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long nhờ gửi 5g hạt giống lúa IR36 qua đường bưu điện cho Giáo sư - Tiến sỹ Võ Tòng Xuân nghiên cứu đánh bại "giặc rầy nâu" đang tàn phá mùa màng.

Trước thềm diễn ra Lễ trao giải VinFuture 2023, Giáo sư Gurdev Singh Khush đã có những chia sẻ về hành trình nghiên cứu của mình.

Mong muốn "cứu thế giới" bằng giống lúa mới

- Được biết ông là một trong những người tiên phong trong việc tạo ra nhiều giống lúa kháng sâu bệnh. Giáo sư có thể chia sẻ về giống lúa mà giáo sư cảm thấy gặp nhiều khó khăn nhất trong quá trình đi vào thực tiễn?

Giáo sư Gurdev Singh Khush: Đối với tôi, đó là câu chuyện liên quan đến giống IR36 kháng rầy nâu. Trước đây, miền Nam Việt Nam đã từng bị rầy nâu tàn phá rất ghê gớm. Sau đó, tôi có đưa một loại gen kháng bệnh rầy nâu vào giống IR36 và gửi tặng giáo sư Võ Tòng Xuân một ít hạt giống mà sau đó ông ấy đã nhân giống ra nhiều tỉnh, thành. Giống lúa mới đã cứu được rất nhiều cánh đồng không bị bệnh rầy nâu, cứu nhiều quốc gia không bị rơi vào tình trạng thiếu lương thực.

- Ngoài giống lúa IR36, hiện nay giáo sư có phát triển giống lúa nào không và trong tương lai, hướng phát triển của lúa gạo trên thế giới sẽ là như thế nào?

Giáo sư Gurdev Singh Khush: Sau IR36, tôi có phát triển một loại giống mới là IR64. IR64 có cùng khả năng kháng bệnh giống như IR36 nhưng ngon miệng hơn. Sau đó, giống lúa này trở thành một trong những giống lúa được trồng phổ biến nhất ở trên thế giới.

- Giáo sư đã dành gần như cả đời để nghiên cứu về giống lúa gạo và có một thời gian dài làm việc ở Viện nghiên cứu Lúa gạo Thế giới. Giáo sư có thể chia sẻ về động lực thôi thúc ông gắn bó với việc nghiên cứu lúa gạo trong một thời gian dài như vậy không?

Giáo sư Gurdev Singh Khush: Tôi đã gắn bó với Viện nghiên cứu giống lúa quốc tế gọi là IRRI trong suốt 35 năm. Động lực thôi thúc tôi gắn bó với lĩnh vực này,đó là giải quyết các thách thức thực tế.

Những năm 60-70 của thế kỷ trước, năng suất của các giống lúa rất thấp và có những dự báo rằng thậm chí có thể xảy ra nạn đói ở châu Á. Do đó, tôi mong muốn “cứu thế giới" bằng cách đưa ra những giống lúa vừa kháng bệnh vừa có năng suất cao hơn gấp hai lần.

Chỉ trong vòng 20 năm, tất cả giống lúa mới được trồng rộng rãi ở toàn bộ khu vực châu Á. Ở đây, IR có rất nhiều dòng khác nhau như IR36, IR64, IR72 và rất nhiều IR khác nữa cũng được các quốc gia châu Á trồng rộng rãi, góp phần nâng sản lượng và giải quyết vấn đề thiếu lương thực.

 Giáo sư - Tiến sỹ Võ Tòng Xuân tham dự VinFuture 2023 với tư cách khách mời. (Ảnh: VinFuture)

Giáo sư - Tiến sỹ Võ Tòng Xuân tham dự VinFuture 2023 với tư cách khách mời. (Ảnh: VinFuture)

- Ông có lời khuyên gì cho Việt Nam trong việc nghiên cứu và phát triển giống lúa để đối phó hay chuẩn bị trước kịch bản của biến đổi khí hậu?

Giáo sư Gurdev Singh Khush: Tôi nghĩ rằng lúa gạo là một lương thực quan trọng. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng cũng là một hoạt động phát thải rất kinh khủng. Do đó, chúng ta một mặt phải đảm bảo đủ lương thực, mặt khác phải đảm bảo giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp và trong sản xuất lúa gạo.

Chúng ta cần phải nghiên cứu ra những công nghệ mới, công nghệ trồng trọt mới, công nghệ phân bón mới, công nghệ sản xuất mới về lúa gạo sao cho vẫn tăng được năng suất nhưng mà không làm tăng phát thải và không làm nghiêm trọng hơn biến đổi khí hậu.

- Giáo sư có đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển lúa gạo của Việt Nam trong tương lai?

Giáo sư Gurdev Singh Khush: Tôi nghĩ rằng năng lực nghiên cứu lúa gạo ở Việt Nam rất tiềm năng vì ba đặc điểm sau đây. Thứ nhất, đội ngũ nhà khoa học được đào tạo bài bản về nhân giống, về trồng trọt. Thứ hai, ở Việt Nam có hệ thống thí nghiệm trọng điểm về nghiên cứu lúa gạo. Thứ ba, Chính phủ Việt Nam là Chính phủ kiến tạo, khích lệ hoạt động này.

Như vậy, Việt Nam có đủ cả ba điều kiện là nhà khoa học, cơ sở vật chất - phòng thí nghiệm và chính sách của nhà nước. Điều đó được phản ánh trong thực tế. Bởi, từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước thì Việt Nam là nước nhập khẩu lương thực, thiếu đói. Đến hiện tại, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Ấn Độ và đó là sự ghi nhận công sức của các nhà khoa học của Việt Nam cũng như chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực này cùng sự phát triển của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nhân giống lúa.

Hãy cống hiến hết mình cho khoa học

- Việt Nam đối với ông giống như là một người bạn thân quen. Vậy quay trở lại Việt Nam lần này, cảm nhận của giáo sư như thế nào, đặc biệt là khi giáo sư tham dự một giải thưởng khoa học như VinFuture?

Giáo sư Gurdev Singh Khush: Tôi nghĩ rằng giải thưởng rất quan trọng. Đó là sự khích lệ đối với các nhà khoa học, đặc biệt là với nhà khoa học lớn tuổi như Giáo sư Võ Tòng Xuân chẳng hạn. Những nhà khoa học này được giải thưởng sẽ trở thành tấm gương, niềm cảm hứng cho giới trẻ tham gia nghiên cứu khoa học. Và khi có thêm nhiều người trẻ tuổi tham gia vào nghiên cứu, nhân rộng những giống lúa mới, đó là một điều kiện tiên quyết để đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam trong tương lai.

 Giáo sư Gurdev Singh Khush. (Ảnh: VinFuture)

Giáo sư Gurdev Singh Khush. (Ảnh: VinFuture)

- Vậy, thành công đối với một người làm khoa học lâu năm là gì và lời khuyên của giáo sư dành cho những bạn trẻ mà đang muốn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học là như thế nào?

Giáo sư Gurdev Singh Khush: Đối với một nhà khoa học, quan trọng vừa có thành tựu khoa học vừa được ghi nhận. Nhưng mà một điều quan trọng nữa là việc đào tạo giới trẻ. Bởi vì tôi cũng từng hướng dẫn rất nhiều học viên, thạc sĩ, tiến sĩ,... Điều quan trọng của một nhà khoa học là phải tham gia đào tạo giới trẻ cho tương lai và rất nhiều học trò của tôi sau khi hoàn thành luận án, luận văn xong đã trở về đất nước của mình và tiếp tục đóng góp cho đất nước.

Lời khuyên đối với giới trẻ là các bạn còn trẻ, các bạn còn rất nhiều thời gian và cơ hội, hãy chăm chỉ, hãy làm việc một cách thông minh và hãy cống hiến hết mình cho khoa học, mọi thứ sẽ đến với các bạn.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Vietnam+