Phương án thi THPT quốc gia mới: Cần chuẩn bị kỹ điều kiện vật chất và con người

27/09/2019 - 15:12

Theo các chuyên gia, phương thức triển khai trên thực tế cần được tính toán kỹ, không gây hoang mang, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng sau năm 2020, nhiều chuyên gia giáo dục đã bày tỏ sự đồng tình với lộ trình đổi mới thi cử, song hành với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Nhiều thay đổi quan trọng sau năm 2020

Chia sẻ về nội dung cơ bản của dự thảo Phương án thi Trung học phổ thông quốc gia sau năm 2020, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết: Học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông (hoặc Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên) cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình Trung học phổ thông.

Nếu có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, học sinh sẽ đăng ký tham gia Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Nội dung thi nằm trong chương trình Trung học phổ thông hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Về phương thức tổ chức thi, sẽ thi trên giấy như hiện nay và đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình nhằm đảm bảo tính khả thi.

Lớp học 12A8, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN

Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, ông Mai Văn Trinh nêu rõ: Thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập, đáp ứng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).

Tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ trên thế giới với các tổ chức khảo thí độc lập của các nước như: ETs, ACT.... Đối với Việt Nam, thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và việc triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính.

Về lộ trình thiển khai, giai đoạn 2021-2025, cơ bản giữ ổn định như Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019; đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi và đặc biệt là phương thức tổ chức thi trên máy tính.

Các bài thi bắt buộc về Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được giữ ổn định như năm 2019; cấu trúc lại các câu hỏi trong các bài thi tổ hợp tự chọn (Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội) theo chuẩn đầu ra của chương trình, chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực; giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp. Đồng thời, từng bước hoàn thiện thành bài thi tích hợp để phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra 1 đầu điểm duy nhất, không còn 4 đầu điểm như hiện nay.

Về việc phân công nhiệm vụ tổ chức kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chỉ đạo chung gồm ban hành quy chế, ra đề thi, thanh, kiểm tra, giám sát, chủ trì tổ chức chấm thi bài thi trắc nghiệm.

UBND các địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương) chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi tại địa phương mình; chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các ban ngành hữu quan thực hiện các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi bài thi tự luận (nếu có), phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Các cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động tham gia các khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi, tổ chức chấm thi và phúc khảo bài thi.

Phân tích về việc xây dựng dự thảo phương án thi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Qua quá trình đổi mới, phương thức thi, xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng đã tương đối hoàn thiện. Kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 được ghi nhận, năm 2020 cơ bản vẫn giữ ổn định theo phương án này. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tham mưu Chính phủ chuẩn bị phương án thi, tuyển sinh cho năm 2021-2025. Công tác chuẩn bị phải căn cơ, thận trọng, có lộ trình, bước đi chắc chắn.

Chia sẻ về dự định tổ chức thi trên máy tính, Bộ trưởng cho rằng để thực hiện thi trên máy thì trước hết ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phải tăng cả về số lượng và chất lượng. Ngoài hạ tầng, phần mềm, hệ thống vận hành phải tính toán, tránh khâu quản lý vận hành không thống nhất, trục trặc. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến năng lực tổ chức thi bởi máy móc không thể thay thế con người; không nên quá nhấn mạnh vai trò của máy móc mà nhẹ về phần chuẩn bị, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khảo thí. Nếu công nghệ tốt nhưng quản lý không tốt, có thể là kẽ hở cho tiêu cực.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp; tiếp tục xin ý kiến để hoàn thiện phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng sau năm 2020.

Thi trên máy tính - cần thí điểm trước khi mở rộng

Dự thảo đề xuất phương án thi Trung học phổ thông quốc gia sau năm 2020 đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là vấn đề tổ chức thi trên máy tính. Trong đó, bên cạnh những ý kiến đồng tình với đề xuất này, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi trong điều kiện đất nước hiện nay.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhấn mạnh: Chúng ta đang ở thời đại 4.0, việc đưa công nghệ vào thi cử là đương nhiên, tuy nhiên, xét trên điều kiện thực tế của Việt Nam, việc triển khai thi trên máy tính cần được thực hiện thí điểm, có tổng kết, đánh giá nghiêm túc về phương thức này, trước khi áp dụng ở diện rộng. Vấn đề thi cử liên quan trực tiếp đến người dân nên việc thay đổi phương thức thi cần tính toán những tác động đến người học, đến nguồn nhân lực trong tương lai.

Giáo sư Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ: Vấn đề quan trọng hàng đầu khi tổ chức thi nhiều đợt trong năm là phải đảm bảo công bằng cho thí sinh ở từng đợt thi, nghĩa là đề thi phải có độ khó bằng nhau. Nước ngoài dùng kỹ thuật để so bằng độ khó trong đề thi ở các lần thi, đây là yêu cầu bắt buộc. Bởi vì nếu không dùng kỹ thuật, việc làm đề thi có chuẩn đến mấy thì mỗi lần thi vẫn có một độ khó khác nhau, điều đó tạo ra sự không công bằng.

Đồng thời, khi thi trên máy, cần đảm bảo chuẩn hóa phòng thi, tính bảo mật và đường truyền. Chuẩn hóa nghĩa là mọi người đều phải tiếp cận một điều kiện kỹ thuật bằng nhau, không thể chỗ này chậm, chỗ kia lại nhanh, nếu vậy sẽ không thể có kết quả công bằng. Do vậy, việc tính toán, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo trước khi triển khai thi trên máy đại trà là hết sức quan trọng và cần thiết.

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, rút kinh nghiệm từ những vụ gian lận thi cử vừa qua thì thấy rằng việc thi trên máy có nhiều ưu điểm nhưng một điểm mấu chốt cần cân nhắc và đưa ra bàn luận là: nếu có một người nắm giữ chìa khóa phần mềm này thì người đó có thể can thiệp vào hệ thống và làm thay đổi kết quả thi. Trước kia, nếu thi trên giấy thì việc sửa chữa, thay đổi kết quả của thí sinh chỉ có thể thực hiện với từng cá nhân nhưng nếu thi trên máy, một người nắm vị trí chủ chốt có thể can thiệp hàng loạt.

Phó Giáo sư Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, đề xuất: Nếu áp dụng tổ chức cả hai hình thức thi phù hợp với điều kiện của địa phương thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổng kết, đánh giá, so sánh ưu, nhược điểm giữa việc thi trên giấy và thi trên máy tính để có những điều chỉnh phù hợp về khâu tổ chức, tiến tới việc thi đại trà trên máy tính hằng năm.

Bên cạnh đó, để học sinh Trung học phổ thông được làm quen với việc thi trên máy tính thì các Trường Trung học phổ thông cần có phòng máy tính với các bài thi mẫu. Đồng thời, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, các sở Giáo dục và Đào tạo cần có diễn đàn riêng, có một số đề thi và phần mềm thi để mỗi học sinh có thể vào thi thử. Bởi vì việc trang bị đủ máy tính cho tất cả các trường học trên cả nước đã là một bài toán, song quan trọng hơn, học sinh cần có thời gian thực hành trên máy tính thuần thục mới có thể triển khai phương thức thi này trên diện rộng.

Theo VIỆT HÀ (Báo Tin Tức)