Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga, ngày 30-12-2020. Ảnh: THX-TTXVN
Được công bố ngày 19-1, nghiên cứu do Giáo sư Richard Payne thuộc Đại học Sydney và Giáo sư Warwick Brition tại Viện Centenary ở Australia đứng đầu cho thấy ứng cử viên vaccine phòng lao (TB) dựa trên công nghệ của họ gây phản ứng miễn dịch mạnh ở chuột.
Vaccine duy nhất phòng lao TB hiện nay được phát triển dựa trên vi khuẩn sống, vốn có nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng cho các bệnh nhân có miễn dịch suy yếu, đặc biệt là các bệnh nhân HIV-AIDS. Trong khi đó, các vaccine được phát triển dựa trên protein sinh sản đơn tính tổng hợp đã chứng minh được độ an toàn đối với người sử dụng, tuy nhiên lại phải được sử dụng kết hợp với các chất tăng cường hoặc tá dược để đạt hiệu quả.
Tiến sĩ Anneliese Ashhurst thuộc Đại học Sydney cho biết: “Vấn đề đặt ra là phải đảm bảo rằng các tế bào miễn dịch cùng lúc phát hiện được cả protein và tá dược. Để khắc phục khó khăn này, lần đầu tiên chúng tôi phát triển một phương pháp tổng hợp protein và tá dược đính kèm thành một phân tử duy nhất”.
Với việc liên kết cố định protein với tá dược, các vaccine mới giờ đây có thể được tổng hợp hoàn toàn trong phòng thí nghiệm, cải tiến quá trình thử nghiệm các vaccine mới trên động vật mất nhiều thời gian.
Tiến sĩ Ashhurst cho biết: “Chúng ta không cần nuôi cấy tác nhân gây bệnh thực tế trong phòng thí nghiệm để bào chế vaccine. Sử dụng phương pháp mới này, chúng ta có thể tổng hợp nhanh chóng và an toàn các vaccine có độ tinh khiết cao trong phòng thí nghiệm và tiến hành thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật”.
Phát hiện này sẽ mở đường cho việc nhanh chóng phát triển vaccine an toàn phòng ngừa các tác nhân gây bệnh đường hô hấp mới xuất hiện, ví dụ như virus SARS-CoV2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo THÚC ANH (Báo Tin Tức)