Phương pháp mới kiểm soát bệnh tiểu đường lấy ý tưởng từ mạng nhện

30/01/2018 - 14:12

Mạng nhện và cách nước đọng lại trên tơ đã giúp các nhà nghiên cứu có ý tưởng tạo ra một phương pháp mà có thể 'cách mạng hóa' kiểm soát bệnh đái tháo đường loại 1 hiệu quả hơn.

Phương pháp mới kiểm soát bệnh tiểu đường lấy ý tưởng từ mạng nhện

Dựa vào ý tưởng mạng nhện, các nhà khoa học thiết kế mô hình giữ và bảo vệ được các tế bào sản xuất insulin, cấy vào cơ thể người bệnh tiểu đường ẢNH CHỤP MÀN HÌNH THE SYDNEY MORNING HERALD

Theo The Sydney Morning Herald, các nhà nghiên cứu của Đại học Cornell (New York, Mỹ) đã thiết kế một mô cấy giống như sợi tơ nhện để đưa các tế bào sản xuất được insulin vào cơ thể mà không phải tiêm insulin nội sinh cho các bệnh nhân đái tháo đường nặng mỗi ngày.

Nhà nghiên cứu Duo An, đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết họ mượn cấu trúc của mạng nhện và phát triển thành một hình thể của mô cấy có thể giữ được hàng trăm ngàn tế bào sản xuất được insulin này.

Theo các nhà nghiên cứu, những bệnh nhân bị đái tháo đường loại 1 đều có hệ thống miễn dịch thường phá hủy các tế bào sản xuất insulin. Mô này giúp bảo vệ các tế bào được cấy vào không bị hệ thống miễn dịch phá hủy.

Trong những phương pháp trước kia, họ cũng đã tạo ra màng bảo vệ cho những tế bào sản xuất insulin được cấy vào, nhưng chúng lại không kết dính được với nhau và trở nên cực kỳ khó khăn trong việc lấy ra khỏi cơ thể mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mô này dễ cấy vào cơ thể và rất an toàn khi lấy ra khỏi cơ thể thông qua phẫu thuật nọi soi không xâm lấn.

Các nhà khoa học đã thấy được mô này phát huy hiệu quả trên chuột trong phòng thí nghiệm. Chỉ trong hai ngày sau khi cấy, đường huyết trong chuột này đã giảm và kiểm soát được. Họ đã thử nghiệm luôn trên các con vật khác trong vòng bốn tháng.

Họ đang bắt đầu thử nghiệm trên người. Mô này được cấy vào khoang màng bụng.

Nếu thử nghiệm trên người thành công, mô này có thể mất một ít thời gian để có thể sản xuất phục vụ rộng rãi cho người bệnh đái tháo đường ở Úc, TS An nói với The Sydney Morning Herald.

Các nhà nghiên cứu tin rằng phương pháp này sẽ là “người thay đổi cuộc chơi” để đưa các tế bào mới vào cơ thể mà không cần phải tiêm, nếu có thêm nhiều nghiên cứu về mô này thành công và được sản xuất hàng loạt.

Hiện có khoảng 130.000 người Úc bị bệnh đái tháo đường cần phải tiêm insulin mỗi ngày.

Theo Thanh Niên