Quan hệ Việt Nam - Đức: Dư địa hợp tác còn rất lớn

07/10/2022 - 07:26

Với vai trò là đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, dư địa hợp tác giữa Đức và Việt Nam còn rất lớn với nhiều cơ hội mới. Đây là nhận định của Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh khi đánh giá về quan hệ kinh tế - thương mại song phương.

Đóng gói xuất khẩu lô hàng trái cây của Việt Nam sang thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Ảnh tư liệu (minh họa): Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Theo Đại sứ, kể từ năm 2011, khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn gấp đôi, đạt trên 11,2 tỷ USD (theo thống kê của Đức thì con số này lên tới 17,11 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2020). Tính hết tháng 6/2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt trên 6,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2021. Bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thương mại song phương không ngừng tăng trưởng là một tín hiệu rất khả quan nằm trong xu hướng chung của kim ngạch Việt Nam – EU sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA), đồng thời phản ánh vai trò đầu tầu của Đức trong thương mại của EU với Việt Nam.

Về đầu tư, tính đến ngày 31/5 năm nay, Đức có 426 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là 2,31 tỷ USD. Việt Nam có 36 dự án đầu tư sang Đức, với tổng vốn đăng ký là 283,3 triệu USD. Trong bối cảnh hai nước nói riêng và thế giới nói chung đang nhanh chóng vượt ra khỏi đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế ở Việt Nam có tốc độ cao hơn trung bình của khu vực và thế giới, thị trường hai nước kể cả về thương mại và đầu tư có xu thế tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Đức, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ - xương sống của nền kinh tế Đức - đang có xu thế đa dạng hóa đầu tư, kinh doanh, tránh không tập trung vào một hai đối tác để giảm rủi ro do các biến động chính trị, an ninh và kinh tế thế giới có thể mang lại, rút kinh nghiệm từ các tác động tiêu cực của xung đột ở Ukraine hiện nay tới kinh tế khu vực và thế giới. Do đó, Việt Nam được giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư Đức đánh giá là một đối tác đáng tin cậy, thị trường hấp dẫn hàng đầu để chuyển dịch đầu tư, thương mại hoặc tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại. Từ nay tới cuối năm, có rất nhiều đoàn doanh nghiệp Đức đã và đang được tổ chức đi khảo sát thị trường Việt Nam.

Tính bổ sung cho nhau mang tính cơ cấu và truyền thống giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Đức trong bối cảnh mới lại càng thể hiện là một cơ sở rất thuận lợi để tăng cường quan hệ hợp tác cùng có lợi vì phát triển bền vững. Đức ước tính từ nay đến 2030 có thể thiếu hụt hàng trăm nghìn lao động có tay nghề, trong khi đó lao động Việt Nam dồi dào, học nhanh, cần cù và chịu khó, được các doanh nghiệp Đức đánh giá cao. Hai nước đang nỗ lực tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề và đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đức.

Chưa hết, Việt Nam còn có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, dồi dào ánh nắng Mặt trời và sức gió, có bờ biển dài, dễ tiếp cận, do đó có điều kiện thuận lợi để hợp tác với các công ty năng lượng Đức có công nghệ hiện đại để phát triển năng lượng sạch và tái tạo như điện gió, điện Mặt trời, hoặc sản xuất hydrogen. Đặc biệt vừa qua Đức đã ủng hộ Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chọn Việt Nam là một đối tác toàn cầu trong chuyển đổi năng lượng công bằng.

Đại sứ Vũ Quang Minh khẳng định lúc này là “cơ hội vàng” để hai nước tranh thủ đẩy mạnh hợp tác, đưa mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước lên một tầm cao mới, không chỉ về chính trị, an ninh mà đặc biệt là về kinh tế - thương mại, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo, dạy nghề, hợp tác lao động.

Trong khi đó, đánh giá về những điểm nổi bật trong quan hệ kinh tế - thương mại giữa Đức và Việt Nam thời gian qua, ông Bùi Vương Anh - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Đức - nhấn mạnh rằng, hơn bao giờ hết, Việt Nam và Đức cùng nhận thức rõ sự cần thiết tăng cường mối quan hệ đối tác tin cậy, đặc biệt là hai khung hợp tác quan trọng và thiết thực mà hai bên đang cùng triển khai và vận dụng hiệu quả, đó là Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế.  Theo ông Bùi Vương Anh, các khung hợp tác này đã trở thành nội hàm quan trọng, thúc đẩy hợp tác kinh tế và đưa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đi vào chiều sâu, mở ra cơ chế, giúp tăng cường xây dựng cũng như tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Đức có thêm nhiều cơ hội hợp tác trong bối cảnh thế giới và khu vực còn tồn tại nhiều bất ổn.

Đề cập đến những biện pháp mà Thương vụ đã hỗ trợ cũng như bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại địa bàn, ông Vương Anh cho biết trong thời gian qua, Thương vụ đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước, tổ chức cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường sở tại, như triển khai các phiên tư vấn, hội thảo, hội nghị kết nối cho các doanh nghiệp Việt Nam, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa, nông sản thực phẩm... sang Đức và EU; Hỗ trợ, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia cho các đoàn doanh nghiệp Việt Nam; Phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp Đức thành lập Bộ phận cung cấp thông tin DeskVietnam, hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam về thị trường Đức, cũng như hỗ trợ xử lý một số tranh chấp thương mại giữa hai bên...; Đẩy mạnh triển khai khả năng hợp tác kết nghĩa địa phương, gắn với các chương trình hợp tác trong nhiều dự án, lĩnh vực như phân phối, sản xuất chế biến, cơ khí, tự động hóa, năng lượng, logistics, cảng biển…

Ông Vương Anh cho rằng Hiệp định EVFTA với lộ trình cắt giảm gần 100% số dòng thuế trong 7 năm là cơ hội lớn để doanh nghiệp Đức và Việt Nam trao đổi hợp tác kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức. Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế Việt Nam - Đức trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Đức là minh chứng cho thấy Việt Nam và Đức tận dụng tốt cơ hội và hiện thực hóa khung hợp tác của khối EU đối với quan hệ hợp tác kinh tế song phương.

Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt đông đảo, đang sinh sống, làm việc và kinh doanh, có hệ thống phân phối sản phẩm châu Á, trong đó phần lớn có xuất xứ từ Việt Nam rộng khắp nước Đức, là các đầu mối tiêu thụ và trung chuyển tiềm năng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam không chỉ trong phạm vi nước Đức. Người tiêu dùng Đức có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn các sản phẩm châu Á, sẵn sàng sử dụng các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển nếu sản phẩm đó có xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà người tiêu dùng Đức có nhu cầu cao như đồ gỗ, may mặc, giày dép, cà phê, hoa quả nhiệt đới...

Sau 2 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước tăng đáng kể. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Đức đạt trên 11,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt trên 7,28 tỷ USD, nhập khẩu từ Đức đạt 3,94 tỷ USD, lần lượt tăng 9,7% và 11,8% so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch hai chiều đạt khoảng 6,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Đức đạt 4,4 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Đức đạt 1,8 tỷ USD, lần lượt tăng 21,5% và 1,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục thống kê LB Đức, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Đức – Việt Nam đạt trên 17,11 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với năm 2020. Tính đến hết tháng 6/2022, kim ngạch thương mại song phương đạt trên 8,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, không thể không kể đến những khó khăn, thách thức. Các quy định, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định khác liên quan đến môi trường, con người... của Đức rất khắt khe và khó đáp ứng hơn nhiều thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam. Các chế tài xử phạt đối với việc vi phạm quy định nhập khẩu cũng rất nghiêm khắc. Do đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó thâm nhập vào thị trường Đức đã chuyển hướng nhiều sang các thị trường dễ tính hơn như các nước Đông Âu.

Cuộc xung đột ở Ukraine cũng là một trong những yếu tố tác động lớn đến nền kinh tế Đức, đặc biệt là các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, đầu tư với Việt Nam như chi phí vận chuyển logistics tăng, gián đoạn nguồn cung, thắt chặt chi tiêu... Đó là chưa kể, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các nước khác.

Theo TTXVN