Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dân cư
Tại dự thảo, Bộ Công an đã đưa ra 2 giải pháp về công tác quản lý dân cư. Trong đó, giải pháp 1 là giữ nguyên các quy định của pháp luật hiện hành về hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú, còn giải pháp 2 là thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.
Đối với giải pháp 1, Bộ Công an sẽ không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về thủ tục hành chính có liên quan tới giấy tờ công dân. Theo đó, Nhà nước không phải bảo đảm kinh phí để sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này.
Tuy nhiên với phương án này, người dân vẫn phải mất thời gian, công sức, chi phí liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi tham gia các giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình. Nhà nước vẫn phải duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như lập tờ khai, thống kê, lập biểu mẫu...
Thay thế quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng số định danh cá nhân có thể tiết kiệm được khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.
Phương án 2, thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cho rằng đây là giải pháp đáp ứng xu thế ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới Chính phủ điện tử...
Việc này góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, giảm chi phí khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú. Theo Bộ Công an, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí ước tính khoảng 1.600 tỉ đồng mỗi năm từ việc công dân không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình; không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây.
Sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử (hoặc phương tiện điện tử), mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ (hoặc phương tiện điện tử).
Về hạn chế ở phương án này, Bộ Công an cũng cho rằng, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp, phạm vi triển khai rộng khắp từ Trung ương tới tận xã, phường, thị trấn với vốn đầu tư tới trên 3.367 tỉ đồng trong khi điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, khó khăn...
Đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính
Sau 10 năm (từ 2007-2017) triển khai thực hiện Luật Cư trú, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, Công an các đơn vị, địa phương đã giải quyết đăng ký thường trú cho 7.672.261 hộ, 32.147.883 nhân khẩu; tách sổ hộ khẩu cho 3.401.401 trường hợp; cấp mới 4.357.413 sổ hộ khẩu; cấp đổi 6.829.952 sổ hộ khẩu, cấp lại 2.490.096 sổ hộ khẩu; điều chỉnh 4.347.884 trường hợp có thay đổi trong sổ hộ khẩu; xoá đăng ký thường trú 3.508.125 nhân khẩu; đăng ký tạm trú cho 4.346.076 hộ, 19.970.520 nhân khẩu, cấp 5.047.977 sổ tạm trú.
Tiếp nhận thông báo lưu trú cho 319.775.171 lượt trường hợp, trong đó thông báo trực tiếp là 177.448.193 lượt, thông báo qua điện thoại là 45.795.993 lượt, thí điểm thông báo lưu trú qua Internet là 96.530.385 lượt. Nhiều địa phương đã giải quyết số lượng đăng ký thường trú lớn, như: Thành phố Hồ Chí Minh với 499.326 hộ, 2.337,716 nhân khẩu; Hà Nội với 1.022.907 hộ, 4.435.515 nhân khẩu; Phú Thọ với 349.629 hộ, 1.087.504 nhân khẩu; Tây Ninh với 229.304 hộ, 876.441 nhân khẩu; Đồng Nai với 104.040 hộ, 378.782 nhân khẩu; Sóc Trăng với 484.066 hộ, 2.237.002 nhân khẩu; Cà Mau với 261.346 hộ, 2.053.351 nhân khẩu...
Theo kết quả hệ thống hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, hiện nay có khoảng 2.705 thủ tục hành chính có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân; trong 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, có khoảng 1.273 thủ tục hành chính yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân;
có khoảng 70 thủ tục hành chính yêu cầu xuất trình Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh (27 thủ tục hành chính yêu cầu mang bản chính Giấy khai sinh; 32 thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao chụp Giấy khai sinh; 11 thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao chứng thực Giấy khai sinh), khoảng 18 thủ tục hành chính yêu cầu Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản sao Giấy chứng nhận kết hôn (07 thủ tục hành chính yêu cầu mang bản chính Giấy đăng ký kết hôn; 11 thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao chụp Giấy đăng ký kết hôn).
Như vậy, nếu quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân và khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc xuất trình các loại giấy tờ như hiện nay sẽ cắt giảm được các thủ tục hành chính, giấy tờ và giảm được những chi phí mà người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Theo MAI HƯƠNG (Công An Nhân Dân)